Ăn cá nóc khi đang đánh bắt trên biển, 6 ngư dân bị ngộ độc

Bệnh viện Đa khoa thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận cho biết vào trưa 26/10, Bệnh viện đã tiếp nhận sáu ca ngộ độc do ăn cá nóc phải vào viện cấp cứu, trong đó một trường hợp đã tử vong.
Một nạn nhân vụ ngộ độc cá nóc đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. (Ảnh Nguyễn Hoài Nam/TTXVN)

Bệnh viện Đa khoa thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận cho biết vào trưa 26/10, Bệnh viện đã tiếp nhận sáu ca ngộ độc do ăn cá nóc phải vào viện cấp cứu, trong đó một trường hợp đã tử vong.

Theo Bệnh viện Đa khoa thị xã La Gi, nạn nhân tử vong là Trần Thiện Thanh (ngụ khu phố 3, phường Phước Lộc, thị xã La Gi).

Bốn nạn nhân sau khi được sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa thị xã La Gi đã được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) cấp cứu, đó là các nạn nhân Nguyễn Văn Phú (ngụ thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong); Phạm Đỏ (ngụ phường Bình Tân, thị xã La Gi); Ngô Đức Cường (ngụ phường Phước Lộc, thị xã La Gi); Nguyễn Quốc Việt (ngụ phường Phước Lộc, thị xã La Gi).

Nạn nhân Phạm Văn Tính (ngụ phường Phước Hội, thị xã La Gi) bị ngộ độc nhẹ hơn, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã La Gi.

Theo Bệnh viện Đa khoa thị xã La Gi, các nạn nhân bị ngộ độc đều đang tham gia đánh bắt trên một tàu cá ngoài khơi biển La Gi. Các thuyền viên làm thịt cá nóc để ăn và đã bị ngộ độc với các biểu hiện co giật, toàn thân tím tái, ói mửa, đi ngoài... Tàu cá sau đó đã quay vào bờ để cấp cứu các nạn nhân. Thuyền viên Trần Thiện Thanh đã không qua khỏi và tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện.


[Cá nóc xuất hiện nhiều bất thường tại vùng biển Thừa Thiên-Huế]

Trong thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc do ăn cá nóc đã xảy ra, tuy nhiên nhiều người dân vẫn rất chủ quan với loại cá này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu các đơn vị Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản kiểm tra các hoạt động khai thác, mua bán, chế biến cá nóc trên địa bàn tỉnh, nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn cá nóc và các sản phẩm chế biến từ cá nóc.

Theo Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Bình Thuận, cá nóc có tên tiếng Anh là Puffer, có nhiều loài khác nhau. Tại Việt Nam được xác định có khoảng 66 loài cá nóc, trong đó có khoảng 40 loài có độc tố.

Chất độc ở cá nóc tập trung chủ yếu ở phần nội tạng, đặc biệt ở túi mật, trứng, gan, ruột và da. Độc tố cá nóc có tên là Tetrodotoxin, là loại độc tố được đánh giá là mạnh nhất trong tự nhiên. Độc tố này tác dụng vào hệ thần kinh, gây tê liệt nhanh chóng ở người bị nhiễm.

Trong từng loài, tùy vào từng thời điểm mà từng con cá nóc lại chứa lượng độc tố khác nhau. Điều này giải thích vì sao có người ăn cá nóc thì vô hại nhưng cũng có người bị tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục