Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ năm 2020 đến nay đã mang đến những thách thức chưa từng có, nhất là với lĩnh vực năng lượng.
Tuy vậy, đây cũng có thể xem là động lực thúc đẩy cộng đồng ASEAN gắn kết hơn nữa trong việc phối hợp đưa ra các biện pháp, chính sách cũng như sự đổi mới nhằm phục hồi kinh tế, tạo điều kiện cho quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững trong khu vực.
Tuy nhiên, để vượt qua thách thức rất lớn từ dịch COVID-19, các quốc gia ASEAN cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm đạt được mục tiêu của Kế hoạch Hành động Hợp tác Năng lượng ASEAN giai đoạn 2, đảm bảo an ninh năng lượng, tăng cường tiếp cận năng lượng, hiệu quả năng lượng và phát triển bền vững không chỉ cho mỗi quốc gia đơn lẻ mà cho toàn khu vực.
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 39 (AMEM 39) và các Hội nghị liên quan với chủ đề “Chúng ta quan tâm Chúng ra sẵn sàng Chúng ta thịnh vượng” diễn ra từ ngày 13-16/9 theo hình thức trực tuyến.
Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn với sự tham gia của Thứ trưởng Đặng Hoàng An cùng đại diện các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
Phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tuyên bố chuyển giao vai trò Chủ tịch AMEM 2021 cho Ngài Dato Seri Setia Dr. Awang Haji Mat Suny bin Haji Md Hussein, Bộ trưởng Năng lượng Brunei.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cảm ơn và đánh giá cao sự ủng hộ của các quốc gia thành viên ASEAN đã giúp Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch AMEM 2020.
Nhân dịp này, Bộ trưởng gửi lời chúc mừng và bày tỏ sự tin tưởng Brunei sẽ thành công trong nhiệm kỳ Chủ tịch AMEM năm 2021.
[Thông qua Giai đoạn 2 kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng]
Tại Hội nghị AMEM 39, các Bộ trưởng đã ghi nhận các kết quả đạt được khi thực hiện Kế hoạch Hành động Năng lượng ASEAN 2016-2025, giai đoạn 1 (2016-2020).
Cụ thể, năm 2019 ASEAN giảm được 21,8% cường độ năng lượng và đạt 13,5% năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp.
Kết quả này giúp ASEAN có được 4,95/5 điểm tổng thể đánh giá mức độ hoàn thành Kế hoạch giai đoạn 1 và tạo tiền đề tốt để hướng tới các mục tiêu năng lượng đề ra cho giai đoạn 2 (2021-2025) là đến năm 2025 tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 23% trong tổng cung năng lượng sơ cấp và giảm 32% cường độ năng lượng.
Ngoài ra, Hội nghị cũng ghi nhận sự tiến triển đáng kể của các dự án khu vực bao gồm việc tiếp tục mở rộng liên kết lưới điện đa phương ASEAN với sự tham gia của Singapore với liên kết hiện có của 3 nước Lào, Thái Lan, Malaysia thông qua việc 4 nước ký Tuyên bố chung về Liên kết lưới điện; triển khai xây dựng thêm 4 dự án cảng LNG tại Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.
Trong dịp này, các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN ra Tuyên bố chung Bandar Seri Begawan về an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng, khẳng định ý chí của các quốc gia thành viên trong việc cùng nhau theo đuổi mục tiêu an ninh và chuyển dịch năng lượng khu vực, đồng thời đưa ra các giải pháp về tài chính, thu hút đầu tư, các hỗ trợ kỹ thuật để phát triển nền kinh tế ít carbon trong cộng đồng ASEAN.
Đáng lưu ý, trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra các sự kiện bao gồm: Đối thoại thường niên với Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA); Hội nghị Năng lượng cấp Bộ trưởng với các nước +3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản); Hội nghị Năng lượng cấp Bộ trưởng với các nước Đông Á.
Đây là các sự kiện thường niên nhằm ghi nhận kết quả hợp tác giữa ASEAN và các đối tác, tổ chức quốc tế trong từng lĩnh vực cụ thể và phối hợp xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động giúp tăng cường nội lực cho các thành viên ASEAN để đạt được các mục tiêu năng lượng khu vực.
Kỷ niệm 10 năm ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác năng lượng giữa ASEAN-IEA, trong dịp này các Bộ trưởng và Giám đốc điều hành IEA đã ra Tuyên bố chung; trong đó IEA khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động năng lượng ASEAN giai đoạn 2 (2021-2025) và phù hợp với xu hướng phát triển năng lượng của thế giới.
Mặt khác, các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN đã có phiên trao đổi với Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ, bà Jennifer Granhom để chuẩn bị thiết lập cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng năng lượng giữa ASEAN và Hoa Kỳ trong các năm tiếp theo.
Đặc biệt, năm 2021, các Bộ trưởng đã trao tặng 123 giải thưởng Năng lượng cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân tiêu biểu và 26 giải thưởng Năng lượng trẻ cho các thanh thiếu niên vì đã có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực năng lượng ASEAN.
Bên lề Hội nghị AMEM 39, Diễn đàn Doanh nghiệp Năng lượng ASEAN 2021 (AEBF 2021) được tổ chức nhằm cung cấp thông tin cập nhật về định hướng phát triển năng lượng, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, kiến nghị chính sách và thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng tại ASEAN./.