Tối ngày 4/12 tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) tổ chức Lễ vinh danh các công ty thành viên đã có những hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) nổi bật nhất năm 2024.
Lễ trao giải CSR năm nay vinh danh 35 công ty có mối quan tâm và có sự thấu hiểu về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh và xã hội; đồng thời, họ cũng là các doanh nghiệp vận hành hoạt động kinh doanh theo cách để tạo ra đồng thời cả giá trị kinh tế lẫn giá trị xã hội dài hạn ở Việt Nam.
35 doanh nghiệp được vinh danh và nhận giải thưởng CSR 2024 của AmCham là những đại diện tiêu biểu như: 3M, AES, AIA, AIP Foundation, Baker & McKenzie, BIDV-Metlife, Boeing, Chubb, Citi, Coca-Cola, Concordia International School, Corning, DKSH, Dow, ExxonMobil, FedEx Express, Freshfields, Gentherm, Herbalife, HP Technology, JW Marriott Hotel Hanoi, Kenan Foundation, KPMG, Lazada, Meta, Microsoft, Mondelez, Pacific Rim Investment and Management, Polaris, P&G, Regent Garment Factory, Sky International Preschool, Suntory PepsiCo, Unilever và Viatris.
Giải thưởng CSR năm nay đã bước sang năm thứ mười và được tổ chức thường niên với mục đích năng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với các thành viên AmCham và cộng đồng; đồng thời, ghi nhận những công ty với những hoạt động CSR hiệu quả và tiêu biểu tại Việt Nam.
Để đạt được giải thưởng CSR, các công ty phải nhận được những đánh giá cao ở 4 hạng mục riêng biệt, bao gồm chú trọng đến mục tiêu kinh doanh và nhu cầu xã hội, tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài; có truyền thông và chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và có tính bền vững của chương trình.
Tại sự kiện, Giám đốc điều hành của AmCham, ông Adam Sitkoff cho biết, trước đây, mỗi quyết định của các doanh nghiệp chủ yếu hướng tới đến kết quả kinh tế, nhưng nay, các doanh nghiệp phải đồng thời cân nhắc tới các hậu quả về luân lý, đạo đức và xã hội có thể gây ra từ các quyết định này.
Ông Adam Sitkoff giải thích rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không còn dựa trên số tiền mà doanh nghiệp đóng góp cho từ thiện mà dựa trên mức độ tham gia vào các hoạt động nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở Việt Nam.
Đánh giá về hiệu quả và ý nghĩa của các chương trình CSR mà thành viên AmCham đã thực hiện tại Việt Nam, ông Adam Sitkoff cho biết, trước đây, các giám đốc điều hành ở mỗi doanh nghiệp thường xem trách nhiệm xã hội của công ty như một áp lực từ văn phòng đại diện.
Tuy nhiên, khi các khách hàng, nhân viên và xã hội ngày càng coi trọng CSR, nhiều nhà lãnh đạo đã và đang xem đó như một cơ hội sáng tạo để củng cố hoạt động kinh doanh; đồng thời, cùng lúc góp phần vào sự phát triển cho đất nước./.