Amazon sẵn sàng hợp tác với EU trong cuộc điều tra chống độc quyền

Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh thương mại Margrethe Vestager, EU đã mở cuộc điều tra sơ bộ chống độc quyền có liên quan đến hoạt động kinh doanh của Amazon từ năm 2018.
Biểu tượng Amazon. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công ty bán lẻ trực tuyến Amazon lớn nhất thế giới ngày 17/7 cho biết sẵn sàng hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc điều tra chống độc quyền liên quan đến việc hãng này sử dụng dữ liệu của bên thứ ba bán hàng trên nền tảng Amazon, qua đó tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

Dự kiến, EU có thể tiến hành cuộc điều tra này trong vài ngày tới.

Một nguồn thạo tin ngày 17/7 cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đang chờ phản hồi của các nhà bản lẻ và các nhà sản xuất từ tháng 9/2018 liên quan đến sự việc.

Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh thương mại Margrethe Vestager, EU đã mở cuộc điều tra sơ bộ chống độc quyền có liên quan đến hoạt động kinh doanh của Amazon từ năm 2018.

Amazon bị cho là đã sử dụng dữ liệu về hàng hóa của các nhà bán lẻ khác trên trang web của hãng, đồng thời tạo ra hơn 100 thương hiệu riêng và cạnh tranh trực tiếp với chính các doanh nghiệp đó.

[Nhân viên Amazon tại Đức đình công đúng dịp khuyến mãi lớn toàn cầu]

Điều này đã tạo ra sự canh tranh không công bằng với các đối thủ. Nhiều nhà bán lẻ đã phàn nàn về thiệt hại từ việc Amazon sao chép hình ảnh và thông tin sản phẩm của họ.

Một số nguồn tin khác cho hay EC đang tìm hiểu lĩnh vực hàng hóa mà Amazon nhắm tới nhằm xác định thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Theo những nguồn tin này, vấn đề ở chỗ liệu Amazon có hành động cạnh tranh không lành mạnh trên toàn hệ thống bán lẻ hay chỉ một loại hàng hóa cụ thể. Hiện lực lượng chức năng EU chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Cùng ngày, Amazon đã đạt thỏa thuận với giới chức trách chống độc quyền của Đức về việc xem xét lại các điều khoản trong dịch vụ đối với các đối tác thứ ba do hãng này bị cáo buộc có hành vi đối xử không công bằng với họ khi bán hàng trên trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới này.

Đây không phải lần đầu tiên Amazon bị EC “chú ý.” Hồi năm 2017, Amazon đã phải hoàn lại khoản thuế 250 triệu euro (khoảng 280 triệu USD) cho Luxembourg mà hãng được hưởng một cách bất hợp pháp trước đó.

Cũng trong năm 2017, Amazon đã vướng vào một rắc rối pháp lý liên quan đến các thỏa thuận phân phối với các nhà xuất bản sách điện tử tại châu Âu./.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục