Âm vang những giai điệu tự hào về mùa Thu cách mạng 1945

Những ca khúc về mùa Thu cách mạng 1945 mang đến niềm tự hào cùng nỗi khắc khoải cho cả những người từng bước qua cuộc chiến và lớp hậu sinh.
Âm vang những giai điệu tự hào về mùa Thu cách mạng 1945 ảnh 1Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô đổ về Quảng trường Nhà hát Lớn dự lễ mít tinh biểu dương lực lượng và chào mừng Ủy ban Quân quản. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Từ mùa Thu lịch sử 1945, cả dân tộc đã đi qua hai cuộc trường chinh “sáng chắn bão giông, chiều che nắng lửa” với nhiều mất mát, đau thương nhưng cũng không ít vinh quang, kiêu hãnh.

Cảm thức chung mỗi dịp Thu sang vừa là sự ngưỡng vọng về giá trị thiêng liêng của những ngày cả dân tộc hòa mình vào khí thế cách mạng sục sôi - một miền ký ức không thể lãng quên, đánh đổi bằng tuổi trẻ, máu xương và hạnh phúc của thế hệ cha anh vừa chứa đựng ước vọng về hành trình vươn mình, đổi thay của đất nước.

Trong không khí chung ấy, những ca khúc viết về mùa Thu cách mạng mang đến cả niềm tự hào và nỗi khắc khoải cho cả những người từng bước qua cuộc chiến và lớp hậu sinh.

“Tiến quân ca” (Văn Cao)

“Tiến quân ca” ra đời tại một căn gác nhỏ trên phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) vào mùa Đông 1944. Ngay từ khi mới ra đời, “Tiến quân ca” được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Ngày 19/8/1945, bản hành khúc “Tiến quân ca” của cố nhạc sỹ Văn Cao đã vang lên khắp mọi ngả đường của Thủ đô.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ca khúc này được chọn làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi đất nước thống nhất (1975), ca khúc “Tiến quân ca” tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Trong hơn 70 năm qua, “Tiến quân ca” đã khẳng định sức sống mãnh liệt, đồng hành cùng lịch sử dân tộc qua bao thăng-trầm, trở thành bài ca của cả dân tộc. Quốc ca như biểu tượng thiêng liêng về Tổ quốc Việt Nam và tiếp tục vang mãi như lời hiệu triệu non sông.

“Lên đàng” (nhạc: Lưu Hữu Phước, lời: Huỳnh Văn Tiểng)

Bài hát ra đời vào năm 1944 như lời kêu gọi, cổ vũ quần chúng hòa vào làn sóng đấu tranh cách mạng. “Lên đàng” mang âm hưởng dân gian truyền thống (với khúc thức đoạn đơn của những điệu lý), nhịp điệu hành khúc, tiết tấu nhanh, mạnh theo nhịp bước đi nên dễ phổ biến, tạo ra không khí sục sôi, thúc giục thanh niên “cùng nhau xông pha, lên đàng/ kiếm nguồn tươi sáng”…

[Ngời sáng tinh thần dân tộc của doanh nhân yêu nước Hoàng Thị Minh Hồ]

Trong cuốn “Lưu Hữu Phước - Con người và sự nghiệp” (Nhà xuất bản Trẻ, 1989), nhà thơ Nguyễn Đình Thi Từng viết: “Những năm trước cách mạng, trong phong trào thanh niên và sinh viên yêu nước, tôi đã được biết những bài hát của Lưu Hữu Phước, nhất là ‘Tiếng gọi thanh niên’ và ‘Lên đàng’ - những bài hát thể hiện khí phách hào hùng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Nét nhạc của Lưu Hữu Phước vừa khỏe vừa tươi tắn, mang đậm chất dân tộc và màu sắc Nam Bộ, không thể lẫn. Những bài hát ấy đã vang vọng trên các đường phố Sài Gòn cuồn cuộn hàng chục vạn người khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.”

Với ca từ ngợi ca truyền thống hào hùng của dân tộc, những chiến công hiển hách của cha ông để thổi bùng lên khát vọng “xông pha, đồng lòng điểm tô non song, ra sức anh tài… nề chi chông gai,” đến nay, “Lên đàng” vẫn là ca khúc phổ biến trong tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên…

“Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi)

Nạn đói thảm khốc năm Ất Dậu 1945 đã khiến hàng triệu người chết. Cùng với đó, chính sách cai trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật ngày càng đẩy nhân dân vào cảnh sống lầm than. Phong trào phá kho thóc, nhà giam, cướp vũ khí địch ngày càng phát triển rộng khắp.

Trong bối cảnh làn sóng đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Việt Minh lên cao, nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi đã sáng tác ca khúc “Diệt phát xít.” Bài hát là lời kêu gọi, cổ vũ quần chúng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.

“Diệt phát xít” có sự đan xen của chất hành khúc hào hùng và chất trữ tình. Ngay từ câu hát mở đầu, chất hành khúc như tiếng kèn đồng dõng dạc vang lên thúc giục đồng bào tham gia cách mạng: “Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than!”

Để từ đó, các đoạn nhạc tiếp theo được phát triển trên cơ sở đan xen chất trữ tình da diết và bi tráng: “Nào nhà tù, nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình… Đã đến ngày trả mối thù chung… Dưới bóng cờ đỏ ánh sao vàng… Ôi nước Việt yêu dấu ngàn năm…”

Âm vang những giai điệu tự hào về mùa Thu cách mạng 1945 ảnh 2Cảm thức chung mỗi dịp Thu sang vừa là sự ngưỡng vọng về giá trị thiêng liêng của những ngày cả dân tộc hòa mình vào khí thế cách mạng sục sôi vừa chứa đựng ước vọng về hành trình vươn mình, đổi thay của đất nước. (Ảnh minh họa: CTV)

“Cùng nhau đi hồng binh” (Đinh Nhu)

“Cùng nhau đi hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh…”  Cùng với “Lên đàng” (Lưu Hữu Phước), “Tiến quân ca” (Văn Cao), “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi)… “Cùng nhau đi hồng binh” (Đinh Nhu) đã vang lên như hồi kèn xung trận, thôi thúc toàn dân đứng lên giành chính quyền.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương mới ra đời, lãnh đạo nhân dân đấu tranh với khí thế sục sôi mà đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931). Cũng trong thời điểm này, tác giả Đinh Nhu bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam và đày ra Côn Đảo. “Cùng nhau đi hồng binh” ra đời trong chính xà lim nhà tù Côn Đảo thời kỳ đó.

Xuất phát từ thực tiễn cách mạng nên lời ca của “Cùng nhau đi hồng binh” thể hiện chân thực khí thế đấu tranh, thôi thúc nhân dân vùng lên giành chính quyền. “Nào anh em nghèo đâu/ Liều thân cho đời sống/ Mong thế giới đại đồng/ Tiến lên quân hồng…”

Với thể hành khúc một đoạn đơn, âm hưởng hào hùng, tiết tấu như tiếng kèn xung trận, giàu tính khích lệ, động viên và lời ca hàm súc, biểu hiện quyết tâm chiến đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam, “Cùng nhau đi hồng binh” được phổ biến sâu rộng trong quần chúng từ khi mới ra đời và tiếp tục lan truyền rộng rãi trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945.

Âm vang những giai điệu tự hào về mùa Thu cách mạng 1945 ảnh 3Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô dự mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

“19 tháng Tám” (Xuân Oanh)

Mỗi dịp Thu về, ca khúc “19 tháng Tám” của cố nhạc sỹ Xuân Oanh lại vang lên trên những ngả đường, gợi nhắc về những trang sử hào hùng của dân tộc: “Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét/ Tiến lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung/ Mười chín tháng Tám ánh sáng tự do đưa tới/ Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng/ Máu pha tươi đều trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn”…

Ngày 19/8/1945, nhạc sỹ Xuân Oanh hòa vào dòng người tham gia cuộc cách mạng ở Hà Nội. Khí thế sục sôi của dòng người đã tác động trực tiếp đến nhạc sỹ, thôi thúc ông ghi lại. Vậy là, “19 tháng Tám” bật ra. Ông vừa đi vừa ghi lại lời bài hát trên những mảnh giấy xé vội hoặc trên góc tờ báo cũ; rồi cùng cả đoàn người ca vang.

Với giai điệu giản dị, dễ hát, lời ca dễ nhớ, thể hiện tinh thần lạc quan, khí thế đấu tranh sục sôi, truyền đi nhiệt huyết và niềm tin vào cách mạng, ca khúc “19 tháng Tám” nhanh chóng vượt khỏi năm cửa ô để phổ biến rộng rãi trong cả nước./.

Âm vang những giai điệu tự hào về mùa Thu cách mạng 1945 ảnh 4Ngày 19/8/1945, nhân dân Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục