Trầm bổng âm nhạc Việt

Âm nhạc Việt: Nốt trầm suy ngẫm, nốt bổng ước mơ

Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần VIII đã kết thúc, người yêu nhạc Việt hy vọng về sự đổi thay từ việc "đọc bệnh- kê đơn" khá rõ ràng.
Theo nhạc sĩ Trọng Bằng, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ VIII đã diễn ra trong không khí cởi mở, đoàn kết và thân thiện, không căng thẳng. Tại đại hội, lãnh đạo Hội Nhạc sĩ đã thẳng thắn nhìn nhận tình hình âm nhạc với những trăn trở, bức xúc cần giải quyết. Và người yêu âm nhạc Việt Nam có thể hy vọng vào những đổi thay qua việc "đọc bệnh-kê đơn" từ Đại hội này.

Những nốt trầm... suy ngẫm

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã được tái đắc cử vào cương vị Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, trong dịp đại đội lần này, ông đã có những trao đổi rất thắng thắn về tình hình âm nhạc nước nhà: Trong những năm qua, âm nhạc Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Song bên cạnh những thành tựu, âm nhạc Việt Nam cũng bộc lộ một số bất cập, yếu kém.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, số lượng các tác phẩm ngày càng nhiều, song ít có tác phẩm đọng lại, vang dội trong công chúng. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa được tuyên truyền, quảng bá đúng tầm, dòng âm nhạc chính thống bị chìm lẫn, có khi tạo cảm giác bị dòng âm nhạc “giải trí”, “thị trường” lấn át. Những năm qua, âm nhạc chỉ có ca khúc là chính, thiếu đi mảng khí nhạc như hoà tấu nhạc cụ dân tộc, thính phòng giao hưởng.

"Chúng ta đều nhận thấy nở rộ những ca khúc dễ dãi, thiếu đi những bản romance (ca khúc nghệ thuật), những ca khúc 'ăn liền' thường ngô nghê về ca từ, đôi khi sống sượng thô vụng, vai trò giai điệu bị lu mờ, mất đi sự độc đáo hấp dẫn của âm nhạc," ông Quân nhấn mạnh.
 
Thực tế đã hình thành một lớp ca sĩ, nhạc sĩ tự… phong, viết ca khúc mà không hề biết tới hòa thanh, phối khí…Thế nhưng có vẻ như họ lại đang chi phối mạnh trên các sân khấu ca nhạc và trên phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, sự thay đổi về tâm lý xã hội trong cơ chế thị trường đã khiến cho một bộ phận công chúng (đặc biệt là công chúng trẻ) lãng quên những giá trị cũ. Có một lớp người trẻ tham gia trong lĩnh vực âm nhạc mà không học hỏi từ những thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ lớp trước và có phần hời hợt với những tác phẩm có giá trị lâu dài.
 
Đồng tình với quan điểm này, nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ: Thực tế, có rất nhiều điều Hội nhạc sĩ muốn mà chưa làm được cũng chỉ vì thiếu kinh phí. Ví dụ như Giải thưởng âm nhạc của Hội nhạc sĩ sở dĩ chưa thu hút được nhiều tác giả hơn, chưa đến được công chúng là vì không có kinh phí để công diễn.

Chính vì thế, các nhạc sĩ cho rằng, Hội Nhạc sĩ cần kiên định tham gia vào cuộc đấu tranh phê phán những khuynh hướng lệch lạc, lai căng, vọng ngoại, xa rời giá trị văn hóa dân tộc đang có biểu hiện phức tạp hiện nay trong đời sống âm nhạc.

Và nốt bổng để… hy vọng

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: Chặng đường năm năm tiếp theo của âm nhạc Việt Nam đã được tính đến tại Đại hội lần này. Đầu tiên là thúc đẩy công tác lý luận phê bình âm nhạc. Thứ hai là chiến lược quảng bá âm nhạc, bao gồm cả việc tuyên truyền và giới thiệu những tác phẩm có giá trị tới công chúng.
 
Và một trong những việc cần làm ngay là: Hội nhạc sĩ đã lên một kế hoạch lớn và chặt chẽ, chủ động “bắt tay” với các đài truyền hình và đài phát thanh cả ở trung ương và địa phương để thiết lập một “kênh” riêng quảng bá âm nhạc. Từ đó sẽ tạo ra được những mảng màu tươi sáng của âm nhạc Việt.

"Lâu nay, chúng ta đã có chương trình 'con đường âm nhạc' tôn vinh sự nghiệp sáng tác của các nhạc sĩ thành danh. Song các chương trình này  còn ít về số lượng và chưa thật 'đều tay' về sự dày dặn của mỗi lần lên sóng. Hy vọng từ sự kết hợp có chủ trương rõ ràng của Hội nhạc sĩ với cơ quan truyền hình thì những sân chơi lành mạnh sẽ được rộng mở để các nhạc sĩ sáng tác và cả các nghệ sĩ biểu diễn theo dòng nhạc chính thống có đất dụng võ...," ông Quân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng cho rằng điều quan trọng vẫn là làm thế nào để có được những tác phẩm hay, khai thông được mạch chính của những giá trị âm nhạc tốt đẹp của dân tộc. Khi có được tác phẩm hay, những chương trình âm nhạc giá trị, đời sống và thẩm mỹ âm nhạc của công chúng cũng sẽ được nâng cao. Từ đó, những tác phẩm kém giá trị cũng sẽ tự bị đào thải.

Hiên tại, Hội Nhạc sĩ đang xây dựng và quy hoạch các đề án âm nhạc với mục tiêu 10 năm (2010-2020), với trọng điểm là đầu tư, hỗ trợ sáng tạo mạnh mẽ hơn, tránh dàn trải nhỏ lẻ. Hội cũng sẽ kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, văn hóa để nâng cao giáo dục thẩm mỹ âm nhạc...

Đặc biệt, Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Quốc hội sớm ban hành Luật Âm nhạc nhằm tạo ra một thiết chế tổng hợp cho các hoạt động âm nhạc, cũng như tạo ra một sân chơi lớn hơn, rộng mở hơn cho giới nhạc sĩ và tạo điều kiện để mọi người dân tiếp cận và tham gia vào việc xây dựng một nền âm nhạc Việt Nam đậm bản sắc./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục