“Chẳng có ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca. Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thăng trầm của khúc nhạc.”
Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ hay văn hóa, âm nhạc nhẹ nhàng đi sâu vào đời sống tinh thần của mỗi con người, và trở thành ngôn ngữ chung của toàn nhân loại.
Ngôn ngữ chung của toàn nhân loại
World Music Day - Ngày Âm nhạc Thế giới, lần đầu được tổ chức vào ngày 21/6/1982 tại Pháp. Khi đó, Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Pháp đã tổ chức một La Fête de la Musique (nghĩa là “lễ hội âm nhạc”), đồng âm với “Faites de la musique” (nghĩa là “tạo ra âm nhạc”), để thu hút, khuyến khích cộng đồng tham gia biểu diễn và thưởng thức âm nhạc.
Mọi người có thể nghe nhạc trên đường phố, trong quán bar và quán càphê, công viên hay các không gian công cộng khác và đặc biệt là chúng hoàn toàn miễn phí.
Ngày Âm nhạc Thế giới khuyến khích tất cả các nhạc sỹ nghiệp dư hay chuyên nghiệp biểu diễn các thể loại âm nhạc để phục vụ cho mọi tầng lớp công chúng.
Bất kể bạn là ai, bất kể là người có nguồn gốc xuất thân như thế nào, đều có thể tham gia vào các lễ hội được tổ chức ở mọi nơi của Ngày Âm nhạc Thế giới mà không cần trả bất cứ khoản phí nào.
Kể từ đó, “lễ hội âm nhạc” trở thành một hiện tượng quốc tế, được tổ chức vào cùng một ngày tại hàng trăm quốc gia trên khắp năm châu: Ấn Độ, Đức, Italy, Hy Lạp, Nga, Australia, Peru, Brazil, Mexico, Canada, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh hay Nhật Bản.
Năm 2022, hơn 1.000 thành phố trên khắp thế giới đồng thời tổ chức Ngày Âm nhạc, và 21/6 hằng năm đã trở thành ngày để tôn vinh những thanh âm kỳ diệu nhất của cuộc sống.
Âm nhạc chính là cái nôi của ngôn ngữ và mãi mãi là một thứ ngôn ngữ chung của toàn nhân loại.
Xuất hiện từ thời tiền sử, dựa trên những khu khảo cổ thời kỳ đồ đá, những nhà khoa học phát hiện ra những cây sáo được khắc từ xương người.
Tới thời Ai Cập cổ đại, âm nhạc được khắc lên tường, trong những vách tường của Kim Tự Tháp, đồng thời, những bằng chứng về bộ dụng cụ gõ, đàn lia... cũng đã khẳng định sự xuất hiện lâu đời của âm nhạc.
Là một bộ phận không thể thiếu của cuộc sống, âm nhạc phản ánh thực tế đời sống một cách trực tiếp và chính xác.
Tất cả các phương diện cuộc sống đều được đưa vào âm nhạc với ca từ phù hợp, thể hiện lối tư duy cũng như trình độ phát triển của dân tộc, đất nước đó.
Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật phi ngôn ngữ. Dù bản nhạc hay bài hát được sáng tác ở thời đại nào, quốc gia nào, ngôn ngữ nào, thì giai điệu vẫn là yếu tố quyết định.
Những người có cùng gu âm nhạc có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ để tiến tới đồng cảm. Một bài hát hay được toàn thế giới yêu thích, chưa chắc tất cả những người nghe đều có thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa của ca từ, nhưng giữa họ có một sợi dây cảm xúc vô hình, khiến họ nhìn thấy mình trong bài hát, yêu thích và thuộc lòng bài hát đó.
"Khi ngôn ngữ bất lực, âm nhạc lên tiếng," âm nhạc chính là ngôn ngữ toàn cầu mà không cần nói nên lời, ai cũng có thể nghe, cảm nhận và hiểu được thông điệp gửi gắm trong tác phẩm.
Cũng giống như mỹ thuật, âm nhạc phản ánh văn hóa, lịch sử của một quốc gia, một dân tộc.
Nếu ở các nước phương Tây, nhạc cụ chủ yếu được sử dụng là kèn đồng, trống, guitar, piano và các nhạc cụ được làm tỉ mỉ, công phu, phản ánh ngành công nghiệp đúc đồng phát triển rất sớm, âm nhạc mang giai điệu rành mạch, dứt khoát thể hiện lối tư duy thẳng thắn, nhanh gọn.
Thì ở các nước phương Đông sử dụng những vật liệu rất thô sơ để làm nhạc cụ như ống tre, trúc, lá... giai điệu âm nhạc thường da diết với những âm luyến láy.
Văn hóa phương Tây quen thuộc với thang âm diatonic, nhưng nó không phải là thang âm duy nhất âm nhạc có thể sử dụng.
Ở mọi nơi trên thế giới lại có những thang âm và định dạng âm nhạc khác nhau, tạo ra những hình thức âm nhạc có dấu ấn riêng.
Khi kết hợp với các chủ đề văn hóa, các loại nhạc cụ địa phương hay những giọng hát riêng biệt, chúng sẽ tạo ra một cuộc phiêu lưu âm nhạc bất tận.
Và khi các nền văn hóa trên thế giới đến gần lại với nhau, chúng lại ảnh hưởng lẫn nhau và sinh ra những dạng thức âm nhạc mới, đưa các cộng đồng dân tộc đến gần nhau hơn.
Vì thế, khía cạnh cộng đồng đã quyện chặt lấy âm nhạc, và thật khó rạch ròi để phân định âm nhạc ảnh hưởng đến xã hội, hay xã hội được phản ánh trong âm nhạc.
“Âm nhạc là tiếng vọng của cảm xúc”
Âm nhạc là một hình thái biểu cảm cảm xúc của con người trong xã hội, cũng giống như hội họa biểu hiện cảm xúc bằng đường nét, hình khối và màu sắc, văn thơ bằng sức mạnh ngôn từ… thì âm nhạc, thông qua âm thanh đặc trưng, nói lên muôn mặt đời sống con người.
Âm nhạc tồn tại ở mọi thời đại, hiện hữu trong đời sống thường nhật của hết thảy các dân tộc trên thế giới, là một trong những phương tiện giao tiếp và hình thức sinh hoạt không thể thiếu của mọi dân tộc.
Nó gắn liền với mọi khoảnh khắc đời người, từ khi mới sinh ra cho đến khi giã từ cuộc sống.
Khúc hát ru thuở nằm nôi của mẹ, những bài đồng dao khi thơ ấu, những bài hát tình yêu khi thành lứa kết đôi, những bài hát lao động sản xuất và cả những khúc hát tiễn đưa người về với cát bụi…
Không có loại hình nghệ thuật nào như âm nhạc, có thể mang đến những cảm xúc mãnh liệt, những sắc thái tình cảm tinh tế nhiều màu sắc, đưa con người trải qua hết từ tâm trạng này đến tâm trạng khác, mang sự phong phú đến cho tâm hồn con người, chỉ bằng âm thanh.
Bằng kỹ thuật chụp ảnh, các nhà khoa học ghi nhận những vùng chịu sự tác động của âm nhạc nằm phần lớn ở bán cầu não phải, phần giàu cảm xúc nhất và chiếm một vị trí riêng biệt trong vùng dành cho sự thể hiện các cảm xúc.
Các nghiên cứu khoa học cũng khẳng định, cường độ, âm sắc của ca từ và giai điệu âm nhạc có thể giúp thai nhi kích thích não bộ, cảm xúc trí tuệ của trẻ được phát triển ngay trong bụng mẹ nếu được nghe nhạc đúng cách.
Âm nhạc gieo vào lòng trẻ thơ những hình ảnh thần tiên kỳ diệu và những ước mơ trong sáng, cao đẹp, vun đắp tình người, tình mẹ con và tình gia đình, là phương pháp có hiệu quả để giáo dục con người phát triển toàn diện.
Con người không thể nghe, nhìn, ngửi, chạm, nếm được cảm xúc mà chỉ có thể cảm nhận. Đôi khi, chúng ta yêu thích một ca khúc nào đó không chỉ vì giai điệu, ca từ mà còn bởi cảm giác mà bài hát đó mang lại.
Chúng ta có thể chìm đắm vào bài hát như kể lại câu chuyện cuộc đời mà ta đã từng trải qua và tưởng chừng như đã lãng quên.
Hòa mình trong những giai điệu, ca từ của bản nhạc có thể xoa dịu những đau khổ dằn vặt của con người trong cuộc sống, hàn gắn những vết thương lòng, khơi dậy miền xúc cảm và kỷ niệm, "tô màu" cho ký ức, "vẽ" nên những bức họa với đủ các gam màu cuộc sống.
Những điều bình dị được tạo bởi âm nhạc vẫn luôn tỏa sáng trong tâm hồn, hướng chúng ta tới suy nghĩ tích cực, là nguồn động viên kỳ diệu để ta trở nên tươi đẹp, bừng sáng hơn.
Khi buồn, nó là liều thuốc xoa dịu nỗi sầu, làm tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản. Khi vui, nó lại là chất xúc tác tô vẽ xúc cảm, giúp ta cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp của cuộc sống.
Đây chính là phương diện truyền tải cảm xúc trọn vẹn và tuyệt vời nhất: âm nhạc giúp chúng ta cảm nhận được từng ngõ ngách sâu thẳm nhất trong tâm hồn.
Âm nhạc không chỉ giải trí, tác động vào cảm xúc mà còn rất tốt đối với sức khỏe. Nghiên cứu của các nhà khoa học, âm nhạc là thần dược của tâm hồn và sức khỏe của con người.
Các bản nhạc có tiết tấu nhanh như disco, chachacha, pop… giúp chúng ta tỉnh táo, năng động và nhạy bén hơn.
Những bản nhạc không lời, piano, Baroque… lại giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống - nguyên nhân chính khiến con người có nguy cơ cao bị mắc cách bệnh về tim mạch, huyết áp.
Nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Lucvichvan Beethoven đã nói: “Âm nhạc làm trái tim của người nam sôi sục và khóe mắt của người nữ đẫm lệ.”
Âm nhạc đã là ngôn ngữ của tâm hồn, của trái tim và nhịp đập của cuộc sống, là âm thanh diệu kỳ mà loài người đã tạo ra cho cuộc sống của mình./.