Một dự án âm nhạc do Quỹ Phúc Lợi Sompo trực thuộc Công ty Bảo hiểm Sompo Japan tài trợ đã đến với các học sinh của Trường Hy vọng với mục đích dùng âm nhạc để chữa lành vết thương, khơi dậy mầm xanh hy vọng và nuôi dưỡng tình yêu với cuộc đời.
Âm nhạc chữa lành
Dự án âm nhạc mang tên “Việt Nam và Nhật Bản cùng thắp sáng Hy Vọng" đã khởi động chương trình đầu tiên vào ngày 13/3/2023 vừa qua với sự điều hành và tư vấn, hỗ trợ của nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji. Ba nữ nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (VNSO) tham gia trình diễn và dẫn dắt đêm nhạc cùng với các “nghệ sỹ nhí” của trường Hy Vọng. Âm nhạc cổ điển hòa vào giọng hát hồn nhiên của học sinh trường Hy Vọng trên sân khấu đã làm nên một bức tranh cảm xúc trọn vẹn và đầy dư âm.
Giám đốc điều hành Trường Hy Vọng - ông Hoàng Quốc Quyền chia sẻ về hành trình để đưa dự án này tới “bọn trẻ của chúng tôi”: “Khi chúng tôi gửi hồ sơ sang Nhật Bản, ông Taketoshi Nagaoka [Trưởng Văn phòng đại diện Công ty Bảo hiểm Sompo Japan tại Hà Nội, Tổng Giám đốc công ty Bảo hiểm Liên Hiệp, thay mặt Quỹ Phúc Lợi Sompo] nói chúng tôi có thể chờ được không. Tôi bảo những đứa trẻ vẫn phải lớn lên thôi, chúng không thể chờ để được chữa lành. Giống như khi FPT quyết định lập trường Hy vọng trong hoàn cảnh cấp bách cũng vì nghĩ rằng bọn trẻ không chờ chúng ta. Người lớn của chúng mất cả rồi thì chúng vẫn cứ phải lớn lên. Nỗi đau khổ ấy cần được an ủi, ôm ấp tức thời. Cuối cùng, ông Taketoshi Nagaoka được thuyết phục.”
Khi dự án âm nhạc được thông qua, ông Taketoshi Nagaoka đã trao đổi với một người bạn là ông Honna Tetsuji (Nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam). Không ngần ngại, ông Honna ủng hộ ngay và đưa các nghệ sỹ trong dàn nhạc của ông vào Đà Nẵng.
Nhiều đứa trẻ ở trường Hy Vọng chưa từng được nghe nhạc cổ điển, thậm chí chưa từng nhìn thấy cây đàn violon, đàn cello ngoài đời, làm thế nào để âm nhạc có thể chạm vào chúng là nỗi băn khoăn của các nhà tổ chức chương trình. Nhưng ông Hoàng Quốc Quyền nghĩ đơn giản hơn thế. Với ông, bọn trẻ chỉ cần vui. Âm nhạc được chúng đón nhận là âm nhạc mang đến niềm vui.
Để lũ trẻ được vui, ông Quyền cho hay toàn bộ khâu tổ chức chương trình được giao về cho chúng tự làm. Theo đó, những đứa trẻ tự thiết kế sân khấu, tự bài trí, tự tập luyện một tiết mục để trở thành những nghệ sỹ của chương trình. Sân khấu cũng được đưa ra ngoài trời để âm nhạc “thính phòng” hòa vào không gian rộng mở, thân thiện hơn, không có bức tường nào đóng khung lại.
Thắp niềm tin yêu cuộc đời
Nơi “khán phòng” không biên giới đó, mỗi đứa trẻ ngồi trên những chiếc ghế nhựa như thời xem chiếu bóng của cha mẹ chúng, vừa ôm nhau, vừa khoác tay, đôi khi thủ thỉ cười đùa hồn nhiên với đứa bạn ngồi cạnh và vừa nghe nhạc một cách say mê. Những lo lắng về âm nhạc hàn lâm, âm nhạc cao cấp được xóa nhòa bởi trái tim rộng mở đón nhận niềm vui của lũ trẻ trường Hy vọng.
Tại đêm nhạc, các nghệ sỹ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn nhiều tác phẩm cổ điển và những khúc nhạc nổi tiếng với giai điệu sôi nổi, gần gũi như: Salut D'amour của Edward Elgar, Turkish March của Mozart, Merry Go Round trong bộ phim hoạt hình “Lâu đài bay của pháp sư Howl” hay Under The Sea từ bộ phim “Nàng tiên cá”... Đặc biệt, các em học sinh trường Hy Vọng tham gia biểu diễn cùng dàn nhạc liên khúc thiếu nhi “Em yêu trường em” – “Đưa cơm cho mẹ đi cày”. Dàn đồng ca có lúc lệch nhịp này nhận về nhiều tràng pháo tay cổ vũ nhất.
Nhìn các em cất tiếng hát trong trẻo, hồn nhiên và đầy tự tin trên sân khấu, nhạc trưởng Honna Tetsuji đứng dưới không giấu được những giọt nước mắt. Nỗi đau có thể vẫn còn nguyên vẹn nhưng niềm tin yêu, hy vọng vào cuộc đời cũng đã nảy mầm nơi đây. Sự yêu thương và chở che các em nhận về tại ngôi trường Hy vọng cũng được chính các em trao dành cho nhau, như cách một bé gái lớn kéo nhẹ vai bé gái nhỏ đứng trên sân khấu cho đúng hàng ngũ ra dáng người chị bảo ban người em trong một gia đình.
[Trường Hy Vọng bắt đầu đón các em học sinh mồ côi vì COVID-19]
“Đây là khoảnh khắc tôi đã chờ đợi rất lâu. Trước đó, tôi rất ấn tượng với các chương trình thiện nguyện và hoạt động vì cộng đồng của FPT, đặc biệt là ngôi trường Hy Vọng - nơi nuôi dưỡng và đào tạo các em nhỏ không may mất người thân vì COVID-19. Và điều tôi muốn truyền tải không diễn đạt bằng ngôn từ, mà bằng âm nhạc từ trái tim,” nhạc trưởng Honna Tetsuji xúc động chia sẻ.
Có nhiều cách để chữa lành nỗi đau. Âm nhạc là một trong số đó. Dùng âm nhạc từ trái tim để an ủi những trái tim trẻ thơ là cách mà những người thực hiện dự án “Việt Nam và Nhật Bản cùng thắp sáng Hy vọng” đang làm với niềm tin một mầm xanh yêu thương được nuôi dưỡng sẽ là một vết khâu an lành để nỗi đau dịu xuống và hạnh phúc nhân lên.
Trường Tiểu học – Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hy Vọng được thành lập từ ý tưởng của ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT - về một ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha, mẹ do đại dịch COVID-19. Tháng 8/2022, trường đón 200 học sinh đầu tiên cho năm học 2022-2023, chính thức khởi động sứ mệnh của mình, nơi các em được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, từ đó trưởng thành và góp phần xây dựng quê hương, đất nước trong tương lai. Trong gần một năm qua, các học sinh của Trường Hy Vọng đã quen dần với cuộc sống mới. Các em tuân thủ giờ giấc và sinh hoạt theo kỷ luật, thức dậy từ 5 giờ để tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, ôn bài trước khi đến lớp học chính khóa và đi ngủ vào lúc 21 giờ 30 phút. Các học sinh lớn được phân công hỗ trợ những em bé hơn. Ngoài giờ học, các em tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, chơi thể thao, trồng rau tăng gia sản xuất… Thầy cô quản sinh cũng làm cầu nối để các em thường xuyên liên lạc với người thân ở quê nhà. Học sinh của Trường Hy Vọng được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện về thể chất cũng như tinh thần, được chăm sóc đời sống tinh thần chu đáo để chữa lành những tổn thương, mất mát hậu COVID-19./. |