Nhân dân cả nước rất quan tâm đến thành phố mang tên Bác trong những ngày đầu giãn cách. Song, dịch bệnh càng lan nhanh thì vòng tay kết nối, chia sẻ yêu thương càng mở rộng, bù đắp phần nào những khó khăn của người lao động nghèo, lan tỏa yêu thương đến với mọi người, mọi nhà.
Quà quê đến với các khu phong tỏa
Chị Huỳnh Phương Loan quê ở Thanh Hóa, là công nhân đang ở trọ tại Phường 14, quận Gò Vấp, cho biết từ khi thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài đường, các chợ đầu mối, chợ truyền thống đóng cửa phòng dịch, việc đi chợ hằng ngày rất khó khăn. “Đặc biệt, những công nhân, người lao động nghèo sinh sống trong khu trọ, khu phong tỏa, cách ly càng khó khăn hơn và chi phí cao hơn nhiều lần,” chị Loan chia sẻ.
Vì khó khăn nên nhiều gia đình đã gom góp gửi những món quà quê lên cho con, cháu trong tâm dịch. Cũng trong thời điểm thành phố gặp khó khăn nhất, nhiều chuyến xe nghĩa tình chở theo "tấm lòng" của người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đến với nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ đồ khô đến đồ tươi sống, từ lương thực, thực phẩm đến nông sản, rau củ quả… tất cả đều được người dân cùng chính quyền các tỉnh, thành phố đóng gói cẩn thận gửi tới nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cùng lời động viên mong sớm vượt qua đại dịch COVID-19.
[Ấm áp tình người trong tâm dịch ở TP.HCM: Hành động đẹp mỗi ngày]
Điển hình, Liên đoàn Lao động tỉnh Trà Vinh trao tặng 5.000 quả trứng vịt, 2 tấn gạo, 3 tấn nông sản... cho người dân thành phố. Tỉnh Quảng Bình gửi hơn 1,1 tấn cá, 12 tấn nông sản gồm thanh long, bắp cải cho công nhân, người lao động ở khu lưu trú, điểm phong tỏa các Quận 1, 3, 5, 6, 10, Bình Tân, Bình Thạnh và công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở Công ty Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Với chương trình “Kết nối yêu thương, sẻ chia hạnh phúc,” Liên đoàn Lao động tỉnh Long An, Tiền Giang cùng các nông dân, nhà vườn trao tặng 28,5 tấn gạo, nông sản, trái cây cho người lao động nghèo ở xóm trọ, khu lưu trú, phong tỏa quận Gò Vấp…
Thông qua Công đoàn viên chức, Hội Nông dân các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Hà Tĩnh... đã hỗ trợ hơn 120 tấn gạo và các nhu yếu phẩm, đặc sản địa phương để chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Bé Bảy, ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, không chỉ thu gom trái cây, rau củ từ phần vườn nhà mình mà còn vận động nhiều nhà vườn xung quanh, thanh niên trong thôn đưa hàng tấn nông sản, trái cây lên xe tải chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh.
“Hiện các kho, vườn, không còn nhiều nông sản nên chúng tôi phải dùng xe máy vào từng nhà vườn, vận động mỗi nơi một ít, cố gắng chất thật đầy xe để đưa về Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu còn sức, vợ chồng tôi tiếp tục vận động, mong người dân thành phố vượt qua đại dịch,” anh Bảy chia sẻ.
Tiếp nhận những món quà quê, rồi chuyển ngay cho người nghèo, công nhân ở khu trọ, anh Ngô Thanh Bắc, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 6 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, quà quê tuy đơn giản nhưng chính là sản vật mà người lao động miền xuôi, miền ngược bỏ công sức chăm sóc, dành dụm.
Mỗi phần quà dù lớn hay nhỏ đều là tấm lòng yêu thương của nhân dân trên khắp mọi miền đất nước san sẻ với người Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm khó khăn nhất, dành tặng lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống dịch.
Đến nay, Liên đoàn Lao động thành phố đã tiếp nhận và chuyển hơn 214 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm các loại trị giá trên 13 tỷ đồng hỗ trợ công nhân, người lao động nghèo ở các xóm trọ, khu phong tỏa, cách ly.
Các cấp Công đoàn đã thực hiện chăm lo hơn 54.800 lượt người với kinh phí hơn 5,1 tỷ đồng; đồng thời kết nối, hỗ trợ xóm trọ, điểm phong tỏa gần 184 tấn rau củ, quả các loại.
Sẻ chia yêu thương
Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều tổ chức, cán bộ Công đoàn không chỉ tất bật với các hoạt động vận động, chăm lo đoàn viên, người lao động, mà còn nhận thêm nhiệm vụ đi chợ giúp người già neo đơn, làm cầu nối giữa điểm bán hàng thiết yếu, cửa hàng tiện lợi với công nhân, người lao động trong khu phong tỏa, cách ly.
Tuy mới khởi động từ cuối tháng 7 đến nay, nhưng cán bộ Công đoàn đã có hơn 2.100 lần đi chợ giúp người dân, giải quyết nhu cầu cấp thiết, bảo đảm an sinh xã hội.
Công đoàn thành phố Thủ Đức là một trong những địa phương đầu tiên triển khai số điện thoại cung cấp sản phẩm dịch vụ miễn phí cho người dân. Thông qua đường dây nóng đặt tại cơ sở Công đoàn hay qua điện thoại, zalo, mạng xã hội của cán bộ Công đoàn, các địa phương, người dân gặp khó khăn có thể gọi hoặc nhắn tin nhu cầu mua hàng trước một ngày, sau đó cán bộ Công đoàn đi mua hàng rồi chuyển đến tay người dân.
Chị Trần Thị Hoài Thu, cán bộ phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức cho biết, việc nhận đơn hàng trước giúp người đi chợ nhanh chóng đặt hàng hoặc mua hàng theo “luồng xanh” (luồng ưu tiên của siêu thị dành cho những người đi chợ giúp) đáp ứng yêu cầu của người già neo đơn, người trong khu phong tỏa, cách ly để họ yên tâm thực hiện tốt quy định về phòng, chống dịch.
Vất vả hơn nhưng chị Thu cùng đồng nghiệp trong đơn vị đều rất vui vẻ thực hiện nhiệm vụ. “Có khi phải chạy đi chạy lại rất nhiều lần để kịp mua thuốc hay nhu yếu phẩm cho người dân, song điều đáng quý là các anh chị em tham gia mô hình này rất tích cực và nhiệt tình”, chị Thu chia sẻ.
Đối với những nơi không bị phong tỏa, cách ly nhưng do nhiều hoàn cảnh khó khăn, việc đi lại hạn chế bởi giãn cách xã hội nên Công đoàn cơ sở phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình “Siêu thị mini 0 đồng,” “Phiên chợ 0 đồng,” “Siêu thị sẻ chia”… giúp công nhân lao động ở xóm trọ, hộ nghèo có thêm cơ hội tiếp cận mua lương thực, thực phẩm hay sản phẩm thiết yếu miễn phí.
Tại các điểm bán hàng này, hàng chục nghìn lượt người nghèo, lao động khó khăn đã mua được nhu yếu phẩm cần thiết, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.
Tại “Siêu thị mini 0 đồng” ở cơ sở 2 Trường Tiểu học Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè), ông Nguyễn Bé, lái xe ôm phải nghỉ ở nhà hơn 2 tháng nay chia sẻ, nếu không có siêu thị này cả nhà ông với 5 miệng ăn chưa biết xoay sở ra sao.
Tương tự, Công đoàn Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã khai trương "Siêu thị sẻ chia" tại tầng trệt 2 khu nhà công vụ với nhiều mặt hàng thiết yếu và thường xuyên được bổ sung, thay đổi theo nhu cầu của người dân sinh sống ở đây. Tất cả khách hàng đều có thể mua sắm trực tiếp hoặc đăng ký online trên trang facebook Công đoàn trường và được giao tận nhà, hạn chế tối đa việc đi lại, tiếp xúc trong mùa dịch.
Có mặt tại "Siêu thị sẻ chia" trong ngày đầu đưa vào hoạt động, chị Lê Nhạn, công tác tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều đồng nghiệp đều hài lòng, đồng tình ủng hộ. Chị Nhạn cho biết, rau củ quả ở đây không chỉ tươi ngon mà còn được sơ chế sạch sẽ.
“Giữa bộn bề lo lắng trong mùa dịch, mô hình này giúp chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn bởi rất nhiều yêu thương từ tổ chức Công đoàn," chị Nhan chia sẻ./