Ấm áp một trái tim người Việt trẻ ở đất nước Mặt Trời mọc

Nguyễn Chí Nghĩa, phó giáo sư Đại học Aomori Chuo Gakuin, Nhật Bản để lại ấn tượng với người đối diện bởi phong cách trẻ trung, nụ cười hiền lành, giọng nói ấm áp và gần gũi.
Ấm áp một trái tim người Việt trẻ ở đất nước Mặt Trời mọc ảnh 1Phó giáo sư Nguyễn Chí Nghĩa tại phòng làm việc. (Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

Chúng tôi đến thành phố Aomori, tỉnh Aomori, vùng Đông Bắc Nhật Bản trong một ngày cuối tháng 12/2016. Mặc dù phải còn gần hai tuần nữa mới đến ngày Giáng sinh, song với bầu không khí buốt giá, tuyết trắng bao phủ khắp nơi, đường phố, mái nhà và những cây thông xanh ngắt, chúng tôi có cảm giác như lễ Giáng sinh đã đặt chân đến thành phố này.

Còn đang bỡ ngỡ và dúm dó vì cái lạnh 0 độ C của vùng Đông Bắc khi xuống tàu tại ga Aomori, một thanh niên trẻ tiến đến gần chúng tôi với nụ cười ấm áp: “Chào chị, Aomori lạnh quá phải không ạ? Để em xách đồ giúp chị. Em là Nghĩa ạ."

Vẫn biết trong chuyến đi này, tôi sẽ được làm việc với một trong những phó giáo sư trẻ nhất ở tỉnh Aomori, song tôi đã hình dung trong đầu một phó giáo sư với phong thái đạo mạo. Chính vì vậy, tôi khá ngỡ ngàng khi đối diện Nguyễn Chí Nghĩa, phó giáo sư Đại học Aomori Chuo Gakuin, một phong cách trẻ trung, nụ cười hiền lành, giọng nói ấm áp và gần gũi.

Nghĩa cho biết sẽ đi với chúng tôi để giới thiệu Học viện Giáo dục Aomori Tanaka, một trong những học viện giáo dục lớn của tỉnh Aomori cũng như của Nhật Bản, nơi có nhiều chương trình liên kết đào tạo với các trường cấp III và đại học tại Việt Nam, cũng là nơi có nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học. Là một trong những giảng viên có thâm niên làm việc lâu năm tại học viện, nhà trường tin rằng Nghĩa là người phù hợp nhất để giới thiệu cho chúng tôi tổ hợp giáo dục này.

Điều khiến chúng tôi rất ngạc nhiên và khâm phục không chỉ là sự thông hiểu tường tận về Học viện Giáo dục Aomori Tanaka của Nghĩa mà chính là sự trọng thị mà các giảng viên và nhân viên trong trường dành cho Nghĩa. Mục tiêu ban đầu là tìm hiểu về Aomori Tanaka song những điều được chứng kiến đã thôi thúc tôi tìm hiểu về Nghĩa.

Đáp lại sự tò mò của tôi, Nghĩa cười hiền lành đáp: “Aomori Chuo Gakuin là ngôi nhà thứ hai của em tại Nhật Bản."


Cơ duyên đến từ quả táo

Quê hương của Nghĩa là miền đất võ Bình Định. Sinh năm 1982, Nghĩa là con thứ hai trong một gia đình có ba người con trai tại thành phố Quy Nhơn. Có bố mẹ là nhà giáo, với nền tảng giáo dục của gia đình, Nghĩa đã được phát huy thế mạnh ngôn ngữ của mình trong những năm học phổ thông.

Tốt nghiệp lớp chuyên tiếng Anh của trường phổ thông trung học Quốc học Quy Nhơn, Nghĩa chọn chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại, của trường Đại học Ngoại thương, cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, sinh viên chuyên ngành kinh tế đối ngoại được chọn một trong hai ngoại ngữ hoặc tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Nghĩa quyết định chọn tiếng Nhật vì đây sẽ là một thử thách mới, tiếng Nhật vốn nổi tiếng là một trong những ngôn ngữ khó học.

Trong giai đoạn đó, người Nhật Bản sinh sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa nhiều, cơ hội để giao tiếp với người Nhật Bản rất ít. Chính vì vậy, Nghĩa luôn tranh thủ mọi cơ hội có thể để giáo tiếp với người Nhật Bản, nhằm rèn luyện năng lực hội thoại tiếng Nhật của mình.

Trong một lần thấy thông báo giới thiệu về hội thảo du học tại Nhật Bản, Nghĩa đăng ký tham dự. Khái niệm du học Nhật Bản đối với Nghĩa lúc đó rất mơ hồ, mục tiêu tham dự hội thảo của Nghĩa chỉ đơn giản là cơ hội nói chuyện tiếng Nhật với người Nhật Bản.

Bước vào hội thảo, trong lúc đang lúng túng chưa biết chọn ai và chọn đề tài gì để mở đầu một cuộc hội thoại với người Nhật Bản, Nghĩa nhìn thấy một tấm bảng giới thiệu “Đại học Aomori Chuo Gakuin." Nhớ đến một bài học trong sách tiếng Nhật giới thiệu về vùng đất Aomori nổi tiếng với loại táo thơm và ngọt, Nghĩa quyết định đến bắt chuyện với người đàn ông trung niên ngồi sau tấm biển giới thiệu đó.

Với vốn tiếng Nhật ít ỏi, Nghĩa nhiệt tình nói chuyện với người mà Nghĩa nghĩ rằng là chỉ là một nhân viên bình thường mà không hề biết đó chính là ông Norihisa Ishida, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Học viện Giáo dục Aomori Tanaka, một trong những tổ hợp giáo dục lớn của Nhật Bản sở hữu trường Đại học Aomori Chuo Gakuin và nhiều trường cao đẳng khác.

Khi tôi nhắc lại điều này với giáo sư Norihisa Ishida và nói đùa rằng quả táo Aomori đã se mối nhân duyên giữa giáo sư với chàng trai trẻ Việt Nam Nguyễn Chí Nghĩa, giáo sư cười hiền từ và đồng ý. Với sự giúp đỡ của giáo sư Norihisa Ishida và quyết tâm của bản thân, năm 2003, Nghĩa đã quyết định học chuyển tiếp chuyên ngành Luật và Quản trị Kinh doanh tại Đại học Aomori Chuo Gakuin. Cơ duyên với Nhật Bản và cũng là cơ duyên với vùng đất Aomori của chàng trai Việt Nam Nguyễn Chí Nghĩa bắt đầu từ điểm xuất phát này.


“Mượn áp lực để buộc bản thân cố gắng”

Mỗi một cá nhân có một phương châm học và làm việc của riêng mình để đạt đến thành công. Với Nghĩa, phương châm đó là tự tạo áp lực đối với bản thân để mình phải đạt được mục đích.

Là sinh viên Việt Nam đầu tiên tại Đại học Aomori Chuo Gakuin, Nghĩa đối mặt với không ít bỡ ngỡ trong những ngày đầu đặt chân đến nơi này. Tuy nhiên, với tư chất thông minh và nhất là ý chí mạnh mẽ, Nghĩa đã vượt qua hai năm đại học với kết quả xuất sắc.

Với thành tích học tập ấn tượng, Nghĩa được trường đại học giới thiệu học thạc sỹ tại Trường Cao học kinh tế và quản trị kinh doanh, thuộc Đại học Tohoku, thành phố Sendai. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa tiến sỹ, từ năm 2013, Nghĩa trở thành giảng viên của khoa Luật và Quản trị Kinh doanh tại Aomori Chuo Gakuin. Ngày 1/4/2016, Nghĩa được phong hàm Phó giáo sư vì thành tích xuất sắc và những đóng góp trong quá trình làm giảng viên, trở thành một trong những phó giáo sư trẻ nhất tại Aomori.

Trái tim Việt Nam ấm áp ở xứ sở Mặt Trời mọc

Những sinh viên tại Đại học Aomori Chuo Gakuin mà tôi gặp đều bày tỏ sự khâm phục về kiến thức và ý chí của thầy Nghĩa. Thế nhưng điều đọng lại lớn nhất đối với những người đã từng có cơ hội làm việc với Nghĩa chính là tấm lòng nhân ái của vị phó giáo sư trẻ tuổi này.

Với các sinh viên Việt Nam, những ngày đầu bỡ ngỡ tại vùng đất mới của các em đã trở nên dễ dàng hơn nhiều khi có thầy Nghĩa luôn sẵn sàng giúp đỡ. Thầy nhiệt tình chỉ bảo những điều cần thiết, không quản ngại vất vả giúp các em ổn định cuộc sống. Khi tôi kể lại điều này, Nghĩa chỉ cười hiền lành.

Không chỉ các sinh viên Việt Nam, những người dân Aomori tôi gặp đều rất trân trọng khi nói về thầy Nghĩa. Câu chuyện của tôi với những người Aomori trở nên gần gũi hơn khi họ kể về những đóng góp thầm lặng của thầy Nghĩa cho người dân vùng Đông Bắc nói chung và tỉnh Aomori nói riêng.

Ấm áp một trái tim người Việt trẻ ở đất nước Mặt Trời mọc ảnh 2Phó giáo sư Nguyễn Chí Nghĩa hướng dẫn đề tài cho sinh viên. (Ảnh: Nguyễn Tuyến-Gia Quân/Vietnam+)

Tháng 4/2011, Nguyễn Chí Nghĩa đã thành lập Hội Fukokai để hỗ trợ các nạn nhân trong thảm họa kép động đất sóng thần tại vùng Đông Bắc Nhật Bản tháng 3/2011. Trong vô vàn câu chuyện giúp đỡ các nạn nhân thảm họa sóng thần động đất, tôi nhớ nhất câu chuyện Nghĩa hỗ trợ những nạn nhân của thảm họa rò rỉ hạt nhân của nhà máy điện Fukushima.

Nghĩa kể tôi nghe ký ức kinh hoàng của những người dân phải chạy trốn khỏi thảm họa hạt nhân. Khi bỏ chạy khỏi vùng đất bị phóng xạ, họ chỉ biết lao lên xe ôtô và chạy xa khu vực bị nhiễm xạ càng nhanh càng tốt.

Khi sơ tán đến tỉnh Aomori, những người lánh nạn này không có bất cứ thứ đồ dùng nào đem theo người. Trăn trở với câu chuyện của những người dân Fukushima, Nghĩa đã tìm đến các doanh nghiệp tại tỉnh, để nhờ giúp đỡ.

“Cứ gõ đi, cửa sẽ mở,” trong lần đến làm việc với một doanh nghiệp thời trang tại tỉnh Aomori, Nghĩa đã nhận được sự hỗ trợ quý báu này. Đó là công việc làm tóc thời trang cho doanh nghiệp. Nghĩa nhận nhiệm vụ chở sản phẩm từ doanh nghiệp đến cho người lánh nạn ở Aomori gia công và sau đó sẽ thu gom sản phẩm đã được gia công đem trả cho doanh nghiệp.

Trong phòng làm việc của Nghĩa, có rất nhiều bức bưu thiếp làm bằng tay độc đáo ngộ nghĩnh. Tò mò về các bưu thiếp này, tôi hỏi Nghĩa và lại được biết thêm một câu chuyện đầy nhân văn. Nghĩa thường hay tổ chức cho sinh viên Việt Nam tại trường tham gia các lễ hội địa phương.

Tại các lễ hội, Nghĩa cùng với các sinh viên Việt Nam pha cà phê Việt Nam, nấu các món ăn Việt Nam để bán cho người tham quan lễ hội. Tiền thu được từ hoạt động này, Nghĩa và các em sinh viên thường dùng cho các hoạt động thiện nguyện trong đó có việc mua táo của Aomori gửi đến các nhà trẻ tại Fukushima hàng năm. Đáp lại tấm lòng của Nghĩa, các bé tại nhà trẻ đã gửi tặng Nghĩa và các em sinh viên Việt Nam tại Aomori Chuo Gakuin những bưu thiếp dễ thương do chính tay các bé làm.

Một người dân ở Aomori trong câu chuyện về Nghĩa đã cho tôi xem một bài báo viết về Nghĩa. Với tiêu đề “Gương mặt nổi bật tại Aomori,", báo To-o Nippo Press số ra ngày 23/5/2014 đã đăng trên trang nhất bài viết về chàng trai Việt Nam có tấm lòng vàng.

Nói đến những đóng góp của Nghĩa, không thể bỏ sót những nỗ lực của chàng trai này trong việc xúc tiến những hoạt động liên kết đào tạo của trường Đại học Aomori Chuo Gakuin với các trường Việt Nam.

Nếu như cách đây 13 năm, Nghĩa là sinh viên Việt Nam duy nhất tại trường Aomori Chuo Gakuin thì đến hôm nay có khoảng 70 sinh viên Việt Nam đang theo học khoa Luật và Quản trị Kinh doanh tại trường. Tất cả các sinh viên đã tốt nghiệp tại Aomori Chuo Gakuin đều được đánh giáo cao về trình độ chuyên môn và đều được tuyển dụng vào các công việc phù hợp.

Đối với Nguyễn Chí Nghĩa, sau Bình Định, giờ đây Aomori đã trở thành quê hương thứ hai. Chàng trai này tâm niệm rằng với tất cả sức lực và trí tuệ, anh sẽ tiếp tục nỗ lực để đem đến những điều tốt đẹp cho cả hai quê hương của mình. “Giúp người cũng chính là giúp mình” là câu trả lời giản dị như con người của Nguyễn Chí Nghĩa khi nói về những hoạt động thiện nguyện của mình.

Không chỉ là trí tuệ, chính trái tim nồng hậu của Nguyễn Chí Nghĩa đã đem lại sự ấm áp cho những sinh viên Việt Nam cũng như những người dân Nhật Bản. Chàng trai đến từ Bình Định này chính là một chiếc cầu nối vững chắc cho tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam và Nhật Bản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục