Ám ảnh lòng tham

Ám ảnh nhục dục, lòng tham trong "Mê cung ký ức"

"Mê cung ký ức" (Trance) của Danny Boyle không phải là một bộ phim dễ xem, mà là cuộc chu du vào ký ức đầy ám ảnh nhưng cũng rất hấp dẫn.
Nếu từng có dịp xem qua lễ khai mạc và bế mạc Olympic 2012 tuyệt vời dưới bàn tay chỉ đạo của Danny Boyle, bạn sẽ thấy rằng không có chi tiết đạo diễn này đưa ra là thừa thãi. Khi ngay cả một sự kiện lớn như Thế vận hội, Boyle còn có thể nắm rõ và điều khiển từng chi tiết thì không có lí gì ông lại không làm được điều tương tự với đứa con tinh thần “Trance” (tựa Việt là Mê cung ký ức). Từ phần âm nhạc, các diễn viên cho tới cách kể chuyện ... tất cả đều là những viên gạch xây nên mê cung “Trance” đầy hấp dẫn nhưng cũng đầy ám ảnh. Nhân vật chính của phim là Simon (James McAvoy) thủ vai, một gã trai có vẻ ngoài bảnh bao tử tế làm việc trong nhà đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, song thực chất lại là một con bạc khát nước. Chính thói đỏ đen đã đẩy Simon vào bước đường cùng, khi anh cấu kết cùng băng tội phạm do Franck (Vincent Cassel) để cướp một bức tranh trị giá hàng chục triệu USD của danh họa Goya từ chính nơi mình làm việc. Mọi diễn biến của vụ cướp, từ khâu chuẩn bị của Franck cho tới sự đồng lõa của Simon đều đúng như tính toán, chỉ trừ một điều không ai ngờ tới: những gì Franck có được chỉ là một khung tranh rỗng không. Không tài nào khai thác được vị trí bức họa “Phù thủy trên trời” từ Simon, băng mafia này quyết định nhờ cậy tới một chuyên gia thôi miên có tên Elizabeth. Một cách vô tình, những bí ẩn đen tối trong quá khứ của Simon được khơi dậy nhờ liệu pháp tâm lý đặc biệt này... “Trance” có nội dung nói qua tưởng như rất dễ hiểu: một toán cướp muốn nhờ một nhà thôi miên tìm vị trí một bức tranh đã mất, song chính yếu tố “thôi miên” ấy đã khiến bộ phim trở nên phức tạp và kích thích trí óc của khán giả. Cái ranh giới giữa thiện và ác, giữa thực và mơ, giữa quá khứ và hiện tại... như bị xóa nhòa đi, khiến người xem chính là những người phải tự tìm đường ra khỏi “mê cung ký ức” bằng cách theo dõi thật kỹ từng lời thoại, hành động của nhân vật. Một bộ phim hay thường đọng lại nhiều cảm xúc, câu hỏi trong lòng người xem, và chắc chắn những ai đã xem xong “Trance” sẽ có nhiều thứ để bình luận, suy nghĩ sau khi bước chân ra khỏi rạp. Không phải ngẫu nhiên mà bức tranh bị đánh cắp – thứ biểu trưng cho lòng tham và động cơ trong phim – lại là một tác phẩm của danh họa Francisco Goya. Lúc còn sinh thời, danh họa nổi tiếng người Tây Ban Nha này từng ở giữa ranh giới một kẻ điên và một thiên tài, nổi tiếng bởi các bức tranh khai thác nội tâm, chiều sâu bên trong con người. Không giống các họa sĩ thời trước, tranh của Goya sát thực với thế giới hiện đại hơn và thậm chí đa phần kể lại những thú tính của loài người. Nó cũng giống như những nhân vật trong “Trance”, khi bạn không thể dám chắc ai là người tốt, kẻ xấu khi tất cả đều ẩn giấu trong mình những con quỷ và có thể bị lòng tham, nhục dục dẫn lối bất cứ khi nào. Nếu đã từng xem các bộ phim nổi tiếng của Danny Boyle như “Trainspotting”, “Slumdog Millionaire” hay “127 Hours”, bạn sẽ thấy điểm chung là các nhân vật thường vượt lên số phận trong những hoàn cảnh khắc nghiệt tới tột cùng và tốt xấu đều phân minh từ đầu. Song với “Trance”, bạn sẽ không thể rõ đó là ai cho tới tận phút chót. Để làm được điều đó, Boyle đã tập hợp được một dàn diễn viên có tên tuổi và quả thực cách diễn của họ như thôi miên, cuốn hút người xem tập trung vào câu chuyện. Vẻ ngoài hào hoa, tử tế của James McAvoy khiến anh trở thành thỏi nam châm cuốn hút không thể chối cãi, song như Boyle chia sẻ trong một bài phỏng vấn thì “bạn sẽ muốn ủng hộ nhân vật của McAvoy ở đầu phim, song dần dần sẽ chuyển thái cực và đó là sự hấp dẫn của ‘Trance’”.
Ám ảnh nhục dục, lòng tham trong "Mê cung ký ức" ảnh 1
Rosario Dawson và James McAvoy trong Trance (Nguồn: MS)
Rũ bỏ hình ảnh chàng trai bị chia cách với người yêu trong “Atonement”, gã thư sinh nổi loạn trong “Wanted”, McAvoy xuất hiện đầy ấn tượng với một quá khứ bí ẩn, nội tâm phức tạp chất chứa những dục vọng đang tạm ngủ yên. Chính lối diễn xuất đầy thuyết phục của McAvoy cùng các bạn diễn Dawson, Cassel đã góp phần đưa khán giả lạc vào mê cung lúc nào không hay. Việc chọn các ngôi sao như Cassel hay Rosario Dawson vào vai cũng thể hiện rõ dụng ý của Boyle, như ánh mắt lộ rõ sự khát khao của ngôi sao người Pháp hay thân hình đẹp tựa thần Vệ Nữ của nữ diễn viên da màu đều sẽ đóng góp, dù ít hay nhiều, cho mạch phim. Trong câu chuyện mà Boyle đem tới, tình dục và bạo lực được sử dụng nhiều song hợp lý và không hề đem lại cảm giác phản cảm cho người xem. Khởi đầu một cách rất ấn tượng, kịch tính với nền nhạc điện tử (Trance vừa có nghĩa là Bị thôi miên lại vừa nói về dòng nhạc Trance), khúc giữa trầm lắng như một bản nhạc lãng mạn Pháp để rồi lại gấp gáp, “Trance” không phải là một bộ phim dễ xem. Song một khi đã “trót” để Danny Boyle dẫn vào một mê cung nhào trộn giữa tình dục, tâm thần và bản ngã con người với đầy đủ sự phức tạp của nó, bạn có lẽ sẽ hài lòng khi tự mình tìm được lời giải đáp và ngoái lại ở cửa mê lộ để nhìn “Trance” như một trong những tác phẩm đáng xem nhất kể từ đầu năm 2013.
Trance (tựa Việt là Mê cung ký ức)
Đạo diễn: Daniel Boyle
Diễn viên: James McAvoy, Vincent Cassel, Rosario Dawson
Thể loại: Tội phạm, Ly kỳ
Thời lượng: 101 phút
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 3/5.


Trailer phụ đề tiếng Việt của Trance:


Thịnh Joey (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục