Algeria sẽ không đưa binh sỹ đến tham chiến ở Mali

Thủ tướng Algeria Abdelmalek Sellal tuyên bố chính phủ nước này sẽ không đưa bất cứ một binh sỹ nào của nước này đến Mali.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 21/1, Thủ tướng Algeria Abdelmalek Sellal tuyên bố Chính phủ Algeria sẽ không đưa bất cứ một binh sỹ nào của nước này đến Mali, đồng thời khẳng định Algeria sẽ chú trọng bảo vệ đường biên giới và lãnh thổ của mình.

Thủ tướng Sellal nhắc lại lập trường của Chính phủ Algeria là khích lệ đối thoại giữa các bên để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Mali.

Mặt khác, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động tiệt trừ nạn khủng bố và tội phạm dưới bất kỳ hình thức nào trong khu vực.

Về việc Algeria cho phép máy bay Pháp sử dụng không phận của mình để tiến hành không kích các mục tiêu của phiến quân tại Mali, Thủ tướng Sellal khẳng định đây là quyết định có chủ quyền của Algeria và phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như mọi quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Mali.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết ủng hộ Pháp thực hiện chiến dịch quân sự tại Mali, nhưng bác bỏ khả năng phái binh sỹ Đức tới Mali vào thời điểm này. Trước đó, Liên minh châu Âu đã đề nghị tổ chức một hội nghị toàn cầu về vấn đề Mali tại thủ đô Brusels của Bỉ vào ngày 5/2, với sự tham gia của Liên minh châu Phi và Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 nước thành viên.

Theo người phát ngôn của lực lượng vũ trang Pháp Thierry Burkhard, 830 binh sỹ đến từ các nước châu Phi như Togo, Niger, Nigeria, Chad và Benin đã tới Mali để hỗ trợ lực lượng Pháp gồm 2.150 binh sỹ giúp quân đội Mali đánh bật các tay súng Hồi giáo.

Tại Mali, lực lượng Pháp và quân đội Mali đã giành lại được 2 thị trấn trọng yếu là Diabaly và Douentza từ tay phiến quân Hồi giáo đang chiếm đóng miền Bắc nước này. Đây là một bước tiến quan trọng trong chiến dịch tái chiếm miền Bắc Mali do Pháp đứng đầu.

Tại Diabaly nằm cách thủ đô Bamako 400km về phía Bắc, khoảng 30 xe bọc thép chở khoảng 200 binh sỹ Pháp và Mali đã tiến vào thị trấn vào sáng 21/1. Theo người dân địa phương, các tay súng Hồi giáo đã cài mìn trước khi bỏ chạy khỏi thị trấn này. Người chỉ huy chiến dịch tại Diabaly, Trung tá Frederic cho biết bom mìn chưa nổ là vấn đề đối với quân đội Pháp và Mali.

Trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn, Chính phủ Mali đã kéo dài thêm 3 tháng tình trạng khẩn cấp vốn được ban bố từ ngày 12/1, theo đó cấm các hoạt động tụ tập hoặc bất kỳ hoạt động nào khác có thể gây rối loạn trật tự công cộng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục