Trang mạng lemonde-arabe.fr mới đây đăng bài viết có tựa đề "Algeria: Cuộc khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra trong năm 2019?," trong đó nhấn mạnh rằng chính quyền Algeria cần phải thực hiện các cải cách kinh tế cần thiết nếu muốn tránh những điều tồi tệ nhất.
Càng gần đến ngày bầu cử Tổng thống Algeria (ngày 18/4), càng có nhiều người đặt câu hỏi với tình trạng sức khỏe suy yếu từ nhiều năm qua sau cơn đột quỵ nặng năm 2013, liệu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika (81 tuổi) có tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp?
Có một thực tế là ngay từ kỳ bầu cử tổng thống trước (năm 2014), nền kinh tế của Algeria đã bắt đầu biến động và cho đến bây giờ vẫn chưa thể phục hồi.
Vào giữa năm 2014, giá dầu thế giới bắt đầu giảm đột ngột, từ 80-110 USD/thùng trong giai đoạn 2011-2013, xuống còn khoảng 40-60 USD/thùng trong giai đoạn 2015-2017. Trong khi đó, đất nước Algeria dường như phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu "vàng đen," chiếm khoảng 10 tỷ USD trong một quý của năm 2018, tương đương 93,6% tổng doanh thu xuất khẩu của nước này.
Chính vì thế, chính quyền Algiers buộc phải dùng đến nguồn dự trữ của mình để cung cấp cho các nhu cầu chính (trị giá khoảng 40 tỷ USD/năm), cũng như đáp ứng cho sự tăng mạnh trong nhập khẩu nhiên liệu, khoảng 2,5 tỷ USD trong năm 2017.
Nền chính trị tê liệt
Trong một báo cáo công bố vào tháng 11/2018 Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cho biết kể từ khi giá dầu giảm vào năm 2014, nền kinh tế Algeria xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu không bền vững. Khi giá dầu thế giới hồi phục (giai đoạn giữa năm 2018), tình hình tài chính của Algeria tương đối "dễ thở" hơn, nhưng Algeria chỉ ở trong tình trạng tạm ổn trong thời gian ngắn.
[Chuyên gia nói gì về sự cạnh tranh ở châu Phi trong năm 2019?]
ICG nhận định đó là do chính quyền Algiers quá chậm trễ trong việc đa dạng hóa nền kinh tế để thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu, và tình trạng tài chính "có vấn đề" như hiện nay bắt nguồn từ sự chi tiêu quá lớn và không bền vững trong suốt một thập kỷ trước.
Theo tổ chức này, nguyên nhân chính là do sự trì hoãn các chính sách ở Algeria. Dù chính phủ Algeria mong muốn, nỗ lực thực hiện cải cách và tái cân bằng tài chính công, song sự tê liệt chính trị đã không tạo ra được một chính sách mang tính quyết định.
Sự tê liệt này bắt nguồn từ 2 lý do: Thứ nhất, các nhóm lợi ích có ảnh hưởng tìm cách bảo vệ nguyên trạng. Thứ hai, một số yếu tố chính trị đã kìm hãm "nguồn cảm hứng" đổi mới mang tích cực hơn. Đó là nỗi sợ hãi rằng các cuộc đụng độ giống như trong những năm 1990 sẽ lặp lại.
ICG nhấn mạnh rằng ký ức về tình trạng bất ổn chính trị và đổ máu, kéo theo các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cải cách chính trị trong những năm 1980 và 1990, vẫn còn hiện hữu và ám ảnh Algeria.
Khủng hoảng kinh tế tiềm tàng
Theo ICG, chính quyền Algeria đang đi trên các "vỏ trứng". Nếu họ không làm gì, nền kinh tế quốc gia sẽ tiếp tục phụ thuộc vào doanh thu từ dầu, điều đó có nghĩa là sẽ không ổn định.
Mặt khác, nếu chỉ cần một thất bại trong cải cách, Algeria có thể rơi vào một thời kỳ bất ổn mới. Do đó, ICG khuyến cáo chính phủ Algeria phải minh bạch hơn và có một chiến dịch truyền thông tốt hơn về những thách thức kinh tế mà đất nước này phải đối mặt, cũng như quan tâm nhiều hơn đến các chủ thể phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt chú ý nhiều đến những người trẻ.
ICG nhắc lại rằng nếu chính phủ đã thực hiện một loạt cắt giảm chi tiêu liên tiếp, cần phải chờ thời gian nhất định mới tạo ra kết quả. Đối với chính sách tiền tệ mà Algeria đang thực hiện, nó chỉ làm tăng lạm phát và chỉ đơn giản là để tiết kiệm thời gian của chính phủ, chứ không thể giải quyết các vấn đề tiềm ẩn. Chính phủ cần đàm phán lại một "thỏa thuận xã hội ngầm giữa Nhà nước và người dân." Điều này phải được thực hiện càng sớm càng tốt vì một cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm tàng có thể xảy ra ngay trong năm 2019./.