Một báo cáo của Bộ Kinh tế Đức cho biết năm 2016, xuất khẩu vũ khí của nước này sang Algeria đạt hơn 887,6 triệu euro, khiến Algeria trở thành khách hàng hàng đầu ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Đức.
Theo báo cáo, Algeria là một trong ba khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Đức cùng với Qatar (790,5 triệu euro) và Hàn Quốc (356,5 triệu euro).
Năm 2016, quân đội Algeria được trang bị một tàu chiến của Đức có tên là Al Radi. Đức là nước cung cấp vũ khí lớn thứ 3 cho Algeria giai đoạn 2012-2016, chiếm 12% sau Nga (60%) và Trung Quốc (15%) trong tổng giá trị nhập khẩu vũ khí của quốc gia Bắc Phi này.
Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Algeria là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới giai đoạn 2012-2016, với tỷ lệ 3,7%, xếp sau Ấn Độ, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Trung Quốc. Quốc gia Bắc Phi này cũng là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất châu Phi, chiếm 46% toàn lục địa đen.
Còn theo công bố mới nhất của Viện nghiên cứu các vấn đề quân sự Global Fire Power, Algeria sở hữu sức mạnh quân sự đáng kể trên thế giới, khi đứng ở vị trí 26 trên tổng số 126 quốc gia tham gia xếp hạng. Đồng thời, củng cố vị trí hàng đầu về quân sự trong số các nước Maghreb, khi vượt xa Maroc (ở vị trí thứ 57), Libya (thứ 72), Tunisia (76). Tại châu Phi, Algeria đứng thứ 2, sau Ai Cập hiện được xếp hạng 11 thế giới.
Về ngân sách chi cho quốc phòng, Algeria đứng đầu châu Phi khi chi đến 10,5 tỷ USD trong năm qua. Trong khi đó, Ai Cập chỉ dành 4,4 tỷ USD cho quân đội trong năm 2016 để duy trì hoạt động của 1,3 triệu quân nhân, bao gồm cả chính quy và dự bị./.