Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, đúng 8 giờ sáng 4/5 (theo giờ địa phương), 65.000 điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Algeria đã mở cửa đón cử tri tham gia cuộc bầu cử Quốc hội.
Khoảng 23,2 triệu cử tri Algeria, trong đó có 46% là nữ giới, đủ tư cách để bầu chọn 462 nghị sỹ Quốc hội trong tổng số 12.000 ứng cử viên của tổng cộng 63 đảng phái.
Đây là một cuộc bầu cử mà như Tổng thống Abdelaziz Bouteflika nhấn mạnh là có ý nghĩa vô cùng quan trọng do đất nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tài chính, vì vậy nhiệm vụ hàng đầu của Quốc hội khóa tới là phải thực hiện nhiều cải cách nhằm giúp đa dạng hóa nền kinh tế.
[Algeria ngăn chặn kịp thời một vụ tấn công khủng bố đẫm máu]
Ông Bouteflika cũng bảo đảm với người dân Algeria rằng sự lựa chọn độc lập của họ sẽ được tôn trọng. Việc người dân tham gia cuộc bầu cử này thể hiện trách nhiệm công dân đối với đất nước, qua đó góp phần bảo đảm sự ổn định, tăng cường tính dân chủ và sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng Algeria Abdelmalek Sellal khẳng định cuộc bầu cử Quốc hội lần này sẽ là bước cuối cùng của tiến trình củng cố sự ổn định của đất nước và sự lựa chọn dân chủ, đồng thời nhấn mạnh cuộc bầu cử sẽ được tổ chức công khai, minh bạch, phù hợp với những quy định của Hiến pháp mới vừa được thông qua năm 2016.
Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Algeria Nouredine Bedoui cho rằng cuộc bầu cử Quốc hội lần này sẽ là bước đi đầu tiên trên con đường cải cách chính trị và Hiến pháp do Tổng thống Bouteflika khởi xướng.
Theo các nhà quan sát, cuộc bầu cử Quốc hội tại Algeria lần này sẽ không làm đảo lộn trật tự chính trị và sự thắng thế của hai đảng thuộc liên minh cầm quyền là Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN) của Tổng thống Bouteflika với 221 ghế và Tập hợp Quốc gia vì dân chủ (NRD) với 70 ghế của Chánh Văn phòng Phủ tổng thống Ahmed Ouyahia.
FLN, từng là chính đảng duy nhất tại quốc gia Bắc Phi này, ngày càng đánh mất sự ủng hộ của người dân kể từ năm 1989.
Theo họ, FLN vẫn có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, song khó có thể chiếm thế đa số, vì vậy đảng này sẽ buộc phải tìm đối tác để thành lập liên minh cầm quyền.
Trái với các cuộc bầu cử trước đó, Cơ quan giám sát bầu cử độc lập tối cao Algeria (HIISE) đã được thành lập trên cơ sở Hiến pháp sửa đổi 2016.
Cuộc bầu cử này sẽ được giám sát chặt chẽ bởi các quan sát viên của Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) và Liên minh châu Âu (EU).
Bộ Thông tin Algeria cho biết có 700 phóng viên, trong đó có 80 phóng viên của các cơ quan báo chí nước ngoài, tham gia đưa tin sự kiện này.
Các hoạt động tuyên truyền bầu cử và tranh cử của các đảng được tiến hành trên cả nước từ nhiều ngày qua. Hơn 900 nghìn cử tri Algeria sống ở nước ngoài như Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha... đã đi bỏ phiếu sớm từ ngày 30/4. Những người dân ở các vùng sâu và xa của Algeria đã đi bỏ phiếu từ ngày 1/5.
Để bảo đảm cho cuộc bầu cử được diễn ra an toàn, 45.000 cảnh sát đã được huy động. Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm bảo vệ và hộ tống phái đoàn quan sát viên quốc tế, các nhà báo nước ngoài đưa tin sự kiện và các thành viên HIISE. Lực lượng cảnh sát cũng tăng cường tuần tra xung quanh các trụ sở cơ quan công quyền cũng như các phái đoàn ngoại giao.
Trực thăng quân sự thực hiện tuần tra trên không kể từ chiều 3/5 tại các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều điểm bỏ phiếu, nhằm bảo đảm sự can thiệp nhanh nhất trong trường hợp khẩn cấp.
Các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào 19 giờ cùng ngày (giờ địa phương) và dự kiến kết quả sẽ được Bộ Nội vụ công bố trong ngày 5/5./.