Theo phóng viên TTXVN tại Algeria, ngày 16/6, tại khách sạn Aurassi ở thủ đô Algers của Algeria, đã diễn ra Hội nghị tham vấn cấp cao lần thứ 3 về tiến trình hòa bình và hòa hợp dân tộc ở Mali.
Tham gia Hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Ramtane Lamamra, Bộ trưởng Ngoại giao Mali Abdoulaye Diop, Cao ủy Liên minh châu Phi (AU) về vấn đề Mali và khu vực Sahel Pierre Buyoya, Đặc phái viên Liên hợp quốc kiêm Tư lệnh Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Mali (MINUSMA) Albert Gérard, đại diện các nước Chad, Mauritania, Burkina Faso, Niger và ba nhóm Hồi giáo vũ trang ở Bắc Mali: Phong trào Arập Azawad (MAA), Phối hợp vì nhân dân Azawad (CPA), Tập hợp các phong trào và mặt trận yêu nước kháng chiến (CM-FPR), cùng đông đảo khách mời và giới báo chí.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Ramtane Lamamra cho biết ngày 15/6, tại thủ đô Algers, các phong trào MAA, CPC và CM-FPR đã ký kết "Tuyên bố Algers" - thỏa thuận sơ bộ về việc tìm kiếm giải pháp cuối cùng cho cuộc khủng hoảng ở khu vực phía Bắc của Mali với sự bảo trợ của Algeria.
Ông R.Lamamra nói: "Tôi nghĩ rằng việc đi tới chia sẻ quan điểm của ba phong trào thuộc khu vực miền Bắc Mali đã hoàn tất. Đó là cơ sở quan trọng để hoạch định tiến trình đối thoại giữa các bên ở Mali, đối thoại cần mang tính đồng thuận."
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Mali Abdoulaye Diop hoan nghênh sự giúp đỡ của Chính phủ Algeria, đồng thời đánh giá cao "vai trò tích cực" của Algeria trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình vì sự ổn định tình hình, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Mali.
Cao ủy Liên minh châu Phi (AU) về vấn đề Mali và khu vực Sahel Pierre Buyoya cũng hoan nghênh việc Algeria tạo điều kiện thuận lợi để các phong trào MAA, CPC và CM-FPR cùng ký kết thỏa thuận sơ bộ "Tuyên bố Algers" ngày 15/6 để đi tới chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Mali, tái khẳng định đó là "một bước tiến quan trọng" đi tới đối thoại toàn diện của Mali.
Trong khi đó, Đặc phái viên Liên hợp quốc kiêm Tư lệnh Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Mali (MINUSMA) Albert Gérard nhấn mạnh "vai trò quan trọng mang tính xây dựng" của Algeria trong những nỗ lực tái thiết hòa bình và hòa hợp dân tộc ở Mali.
Ông cho rằng sự ổn định tình hình ở cả khu vực Sahel sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu không có hòa bình và hòa hợp dân tộc ở Mali.
Ông Gérard cũng bày tỏ hy vọng tất cả các bên ở Mali thực hiện lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt./.
(Vietnam+)