Ngày 4/8, Giám đốc cơ quan Xây dựng và Quản lý nhà thờ Hồi giáo Algiers (hay còn gọi là Djamâa El Kebir, ông Badreddine Defous cho biết nhà thờ Hồi giáo Algiers, công trình được khởi công năm 2012, đã cơ bản hoàn thành các hạng mục và đang chờ thời điểm khánh thành.
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, đây được xem là 1 trong 3 đại công trình hiện nay của Algeria, cùng với dự án Mở rộng sân bay quốc tế Houari Boumediene và Cảng nước sâu Tipaza.
Công trình kiến trúc Djamâa El Kebir được khởi công từ ngày 16/8/2012, nằm ngay bên vịnh Algiers, thuộc quận Dar El Beida ở thủ đô Algiers, với số vốn đầu tư ước tính ban đầu khoảng 1,5 tỷ USD.
Nhà thầu chính là công ty Kỹ thuật xây dựng nhà nước Trung Quốc (CSCEC). Công trình đã tạo việc làm cho khoảng 17.000 lao động, trong đó có 10.000 người Trung Quốc.
Tính đến cuối năm 2016, ước tính số vốn của dự án đã bị đội lên gấp đôi và đến thời điểm cuối năm 2018, dự toán cho toàn bộ công trình đã chạm ngưỡng 4 tỷ USD.
[Photo] Nhiều di sản UNESCO sẽ biến mất do chiến tranh Hồi giáo
Sau khi hoàn thành, Djamâa El Kebir được đánh giá không chỉ là một nhà thờ Hồi giáo đơn thuần mà còn là một công trình nghệ thuật điển hình cho kiến trúc Hồi giáo, một tổ hợp tôn giáo-du lịch-nghiên cứu mang tính biểu tượng của Algeria.
Toàn bộ quần thể công trình nằm trên diện tích khoảng 20ha, bao gồm một nhà thờ lớn với tháp chuông cao khoảng 270m, một phòng cầu nguyện rộng khoảng 20.000m2 với mái vòm khổng lồ bên trên (đường kính 50m và chiều cao 70m).
Ngoài ra, nhà thờ lớn Algiers còn có một phòng đọc kinh Coran 300 chỗ.
Đây cũng được coi là một Học viện cho phép khoảng 300 học viên trong nước và quốc tế muốn nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn về Hồi giáo nói chung, kinh Coran và văn hóa Hồi giáo nói riêng.
Bên cạnh đó, Djamâa El Kebir cũng bao gồm một trung tâm văn hoá có diện tích 8.000 m2, có khả năng đón tiếp 1.500 người, một thư viện khoảng 2.000 chỗ, một bảo tàng và một vườn hoa.
Với tham vọng biến Djamâa El Kebir thành một trung tâm Hồi giáo lớn thứ 3 trên thế giới trong tương lai (sau thánh địa Meca và Medina tại Saudi Arabia), nhà chức trách Algeria cũng chủ động xây dựng một tổ hợp công trình phục vụ liên quan, bao gồm một phòng hội nghị lớn và nhiều phòng hội thảo nhỏ, một khách sạn 300 phòng, một trung tâm thương mại-giải trí và nhiều nhà hàng.
Với kết nối giao thông thuận tiện và vị trí đẹp, Djamâa El Kebir ước tính sẽ đón khoảng hơn 500.000 du khách mỗi năm và mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho quốc gia Bắc Phi này./.