Ngày 24/8, tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ.”
Phần lớn ý kiến tại hội thảo không cho rằng giáo sỹ người Pháp Alexandre de Rhodes là “cha đẻ” của chữ Quốc ngữ như quan điểm trước đây, mà chỉ là người có công hoàn thiện chữ Quốc ngữ để phục vụ cho việc truyền đạo của mình.
Các nhà khoa học khẳng định giáo sỹ Dòng Tên Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) là người thạo tiếng Việt nhất trong số các giáo sỹ phương Tây có mặt ở Quảng Nam và Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII.
Nhiều tham luận trình bày tại hội thảo khẳng định vai trò tiên phong của giáo sỹ Dòng Tên người Bồ Đào Nha Francisco de Pina trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ.
Giáo sỹ người Pháp là Alexandre de Rhodes là người có công hoàn thiện chữ Quốc ngữ thông qua việc tu chỉnh, biên soạn và xuất bản hai cuốn sách quan trọng là Từ điển Việt-Bồ-Latinh và Phép giải tám ngày vào năm 1651.
Các nhà khoa học khẳng định, với việc đặt Dinh trấn Thanh Chiêm, chúa Nguyễn Hoàng đã mở ra một chương mới trong lịch sử mở cõi của Đại Việt và biến Quảng Nam, một vùng đất trù phú “ngoài biên ải” trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế lớn, một kinh đô thứ hai của Đàng Trong (sau thủ phủ Phú Xuân) trong các thế kỷ XVII-XVIII.
Đây cũng là một trung tâm kinh tế lớn nhất, một hậu phương vững chắc cho Thuận Hóa phòng ngự ở mặt Bắc với chúa Trịnh và trở thành đất trung chuyển cho dân tộc tiến về phương Nam.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục thúc đẩy việc đề nghị xếp hạng di tích quốc gia về văn hóa - lịch sử của Dinh trấn Thanh Chiêm, nơi phát sinh ra chữ Quốc ngữ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng Bảo tàng Điện Bàn thành bảo tàng Bắc Quảng Nam để đưa nội dung về trình bày ý nghĩa văn hóa, lịch sử Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ thành không gian riêng biệt, đặc sắc./.