Alain Ruscio: "Hồ Chí Minh, một cốt cách vẹn nguyên giá trị thời đại"

Nhà sử học người Pháp chia sẻ những công trình nghiên cứu của mình về Bác Hồ cũng như suy nghĩ và tình cảm của ông dành cho vị lãnh tụ kiệt xuất của Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn nhà sử học người Pháp Alain Ruscio, người có nhiều nghiên cứu về Đông Dương và Việt Nam.

Ông đã chia sẻ những công trình nghiên cứu của mình về Bác Hồ cũng như suy nghĩ và tình cảm của ông dành cho vị lãnh tụ kiệt xuất của Việt Nam.

- Trong quá trình nghiên cứu về Việt Nam, từ khi nào ông bắt đầu quan tâm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Người?

Nhà sử học Alain Ruscio: Tôi sinh ra trong bối cảnh chính trị ở Pháp là cuộc đấu tranh của người dân Pháp phản đối sự xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Tôi còn nhớ rất rõ những cuộc biểu tình đầu tiên ủng hộ Việt Nam mà tôi tham gia khi mới 17 tuổi. Xuống đường cùng nhau, tôi và các bạn Pháp đã hô vang tên vị lãnh tụ biểu tượng của nhân dân Việt Nam: “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!”

- Cá nhân ông ngưỡng mộ nhất với nhân cách nào của Hồ Chí Minh: Khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, không bao giờ từ bỏ những cam kết mang lại lợi ích cho dân tộc…?

Nhà sử học Alain Ruscio: Cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Bác Hồ tạo thành một tổng thể nhân cách của Người và chúng ta không thể tách rời riêng rẽ bất cứ phẩm chất đạo đức nào.

Tất cả chúng ta, ngay cả những người phản đối Hồ Chí Minh (như tôi đã trích dẫn trong sách của mình), phải thừa nhận Bác Hồ là người chân thành, khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi. Ngay cả khi đã trở thành một vị nguyên thủ quốc gia, Bác vẫn không từ bỏ phong cách sống giản dị. Chẳng hạn như Hồ Chí Minh đã chọn sống và làm việc tại ngôi nhà nhỏ trong góc Phủ toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) thay vì ở trong toàn bộ ngôi nhà lớn.

Với những nhân cách cao quý ấy, Hồ Chí Minh vẫn luôn là điển hình vẹn nguyên giá trị thời đại. Và cho đến tận hôm nay, nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh vẫn luôn được quan tâm ở Pháp.

- Ông đã có bao nhiêu công trình nghiên cứu lấy cảm hứng từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mở ra kỷ nguyên độc lập của nước Việt Nam?

Nhà sử học Alain Ruscio: Có thể nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện diện trong tất cả các cuốn sách của tôi. Thứ nhất, bởi vì tôi đã dày công nghiên cứu nhiều về lịch sử chủ nghĩa thực dân Pháp, và tôi đã luôn gặp Bác Hồ trong suốt hành trình nghiên cứu đó, không chỉ về Việt Nam.

[Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi!]

Thứ hai, sự nghiệp đấu tranh và những thông điệp của Hồ Chí Minh luôn được quan tâm, theo dõi bởi tất cả những dân tộc thuộc địa, những Người cùng khổ (Le Paria) - tên tờ báo đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc sáng lập (xuất bản vào năm 1922 tại Paris, Pháp).

Cá nhân tôi đã xuất bản ba tác phẩm về Bác Hồ gồm một tuyển tập các bài viết của Hồ Chí Minh xuất bản năm 1990 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người; một ấn phẩm tái bản ''Bản án chế độ thực dân Pháp'' của Nguyễn Ái Quốc, ra mắt năm 1999, và gần đây nhất là cuốn sách ''Hồ Chí Minh - Viết và tranh đấu'' xuất bản năm 2019 nói về hành trình sự nghiệp cách mạng của Người.

Bác Hồ cuốc đất, trồng rau trong vườn Phủ Chủ tịch (năm 1957). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Trong cuốn sách thứ ba về Bác này, cũng như cuốn sách đầu tiên xuất bản năm 1990, tôi đã đăng lại bản ''Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh'' với thông điệp về khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, đất nước. Sáu năm sau khi Bác qua đời, Việt Nam đã giành độc lập, thống nhất đất nước và chấm dứt việc các cường quốc thế giới can thiệp vào Việt Nam trong suốt hơn một thế kỷ.

- Ngoài sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 2/9/2019, ông đã viết bài báo “Hồ Chí Minh, chiến binh giải phóng con người” đăng trên tờ “Nhân đạo” của Đảng Cộng sản Pháp. Chắc hẳn ông đã dành cho vị lãnh tụ Việt Nam sự kính trọng lớn lao và lòng ngưỡng mộ?

Nhà sử học Alain Ruscio: Đúng vậy! Nhưng đó là sự kính trọng mà tôi dành cho tổng thể di sản của Hồ Chí Minh. Nó không giống như sự tôn thờ một vị Chúa trời hay một thánh nhân không thể tiếp cận. Sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ của tôi dành cho Bác giống như của những đứa con dành cho người cha kính yêu khi được chứng kiến cuộc đời và sự nghiệp tranh đấu của Người, từ đó Người trở thành nguồn cảm hứng của tôi.

Tất nhiên, cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là đề tài cho những tranh luận tư tưởng ở phương Tây. Chắc chắn có nhiều người ủng hộ Hồ Chí Minh, nhưng cũng có những người phản đối tư tưởng của Bác bởi vì đối với một số người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của sự thất bại của chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa đế quốc Mỹ.

- Xin cảm ơn nhà sử học Alain Ruscio./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục