AJC: Năm biện pháp chính sách giúp ASEAN tối đa hóa lợi ích từ RCEP

Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) đã nghiên cứu và so sánh các mô hình chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) của ASEAN với các mô hình GVC của RCEP để xác định các cơ hội và chi phí liên quan tới RCEP của ASEAN.
Sản xuất linh kiện xe máy tại Công ty Ohashi Tekko Việt Nam khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) vừa công bố “Chuỗi giá trị toàn cầu ASEAN và mối quan hệ của nó với RCEP: Các tác động của RCEP tới hội nhập ASEAN,” trong đó khuyến nghị Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thực hiện 5 biện pháp chính sách để thu lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Trong báo cáo này, AJC nghiên cứu và so sánh các mô hình chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) của ASEAN với các mô hình GVC của RCEP để xác định các cơ hội và chi phí liên quan tới RCEP của ASEAN.

Kết quả nghiên cứu cho thấy vai trò của ASEAN trong các GVC của RCEP nhỏ hơn so với trong các GVC của ASEAN và do đó, kết nối của ASEAN qua hoạt động sản xuất cũng nhỏ hơn, một phần do RCEP hội nhập ít hơn so với ASEAN.

Mặc dù ASEAN sản xuất nhiều sản phẩm nhưng các sản phẩm này lại chưa trở thành đầu vào cho các hàng hóa xuất khẩu của các nước thành viên RCEP không thuộc ASEAN.

Xét theo ngành cụ thể, nghiên cứu của AJC cho thấy mặc dù các GVC ôtô và điện tử ở ASEAN rất mạnh nhưng các GVC này trong RCEP lại mạnh hơn do có sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, các GVC của ASEAN có cơ hội mở rộng ở các nước thành viên RCEP không thuộc ASEAN trong những ngày này.

Mega Story [Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong RCEP]

Đối với lĩnh vực dệt may, theo AJC, các nước thành viên ASEAN là những nhà sản xuất chủ chốt và nhà xuất khẩu thành phẩm chứ không phải là các nước sản xuất trung gian. Do đó, các nước ASEAN có thể hưởng lợi từ RCEP thông qua việc mở rộng nhập khẩu vải từ Trung Quốc.

Đối với nông nghiệp và du lịch, đây là những ngành tiêu biểu trong ASEAN có tính hướng nội hoặc hướng tới khu vực và có thể xâm nhập vào cả thị trường ASEAN và RCEP.

Về tác động trực tiếp của RCEP tới thương mại và đầu tư, theo AJC, hiệp định này giúp tăng 42 tỷ USD giá trị xuất khẩu và 900 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tương đương 1,8% và 0,3% con số hiện nay.

Trên cơ sở các phân tích như vậy, trong báo cáo trên, AJC khuyến nghị ASEAN thực hiện 5 biện pháp chính sách cụ thể để tối đa hóa các lợi ích thu được từ RCEP, gồm: Thiết lập hệ thống sản xuất RCEP để mở rộng các chuỗi giá trị và thúc đẩy thương mại và đầu tư; Tận dụng các chương trình và sáng kiến hiện có của các nước thành viên RCEP, trong đó có chương trình của Nhật Bản nhằm đa dạng hóa và tạo ra nhiều chuỗi cung ứng trong ASEAN để đối phó với các rủi ro gây gián đoạn chuỗi cung ứng như dịch COVID-19; Thu hút vốn FDI, nhất là dòng vốn tạo ra các chuỗi giá trị từ các nước thành viên RCEP không thuộc ASEAN; Tăng cường quan hệ với Nhật Bản bởi vì, Nhật Bản được coi là hưởng lợi nhiều hơn từ RCEP so với ASEAN; và Phát triển các linh kiện và phụ tùng cho các mặt hàng xuất khẩu của các nước thành viên RCEP gắn chặt với các dây chuyền sản xuất của nhiều GVC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục