Airbus và Boeing đẩy mạnh việc bàn giao máy bay thương mại

Trong quý 2, số lượng máy bay thương mại bàn giao của Boeing tăng 12% lên 136 chiếc, trong khi con số này của Airbus tăng 6,4% lên 316 chiếc trong nửa đầu năm nay.
Máy bay của hãng Airbus thực hiện chuyến bay thử nghiệm tại Blagnac, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ đều đang đẩy mạnh việc giao máy bay thương mại trong nửa đầu năm nay, qua đó thúc đẩy doanh thu trong bối cảnh hai đối thủ này đang nỗ lực gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu từ các hãng hàng không.

Cả hai nhà sản xuất máy bay này ngày 26/7 đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023, trong đó Airbus ghi nhận lợi nhuận ròng 1,06 tỷ euro (1,17 tỷ USD), trong khi Boeing lỗ 149 triệu USD do những chậm trễ và vấn đề chi phí trong mảng sản phẩm và dịch vụ quốc phòng và hàng không vũ trụ.

Doanh thu hai hãng đều tăng khi số máy bay giao cho khách hàng gia tăng. Trong số đó, Doanh thu của Boeing tăng 18% lên 19,8 tỷ USD, còn doanh thu của Airbus tăng 24% lên 17,6 tỷ USD.

Cũng trong quý 2, số lượng máy bay thương mại bàn giao của Boeing tăng 12% lên 136 chiếc, trong khi con số này của Airbus tăng 6,4% lên 316 chiếc trong nửa đầu năm nay.

[Airbus chưa thể bàn giao vài trăm máy bay A320neo trong năm 2024]

Trong bối cảnh các hãng hàng không đưa ra các đơn đặt hàng lớn để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng mạnh sau đại dịch COVID-19, Airbus và Boeing đều đang gặp khó khăn trong việc gia tăng sản lượng.

Hai "gã khổng lồ" này đều phải cắt giảm sản lượng và nhân sự trong đại dịch COVID-19 khi du lịch hàng không toàn cầu gần như ngừng hoạt động. Việc phục hồi sản lượng đang diễn ra chậm chạp và khó khăn cho cả Airbus và Boeing, cũng như các nhà cung cấp.

Trong một thông cáo báo chí, Giám đốc điều hành của Boeing Dave Calhoun khẳng định hãng này đang có "những bước tiến vững chắc" trong quá trình phục hồi nhờ nhu cầu mạnh mẽ.

Những năm gần đây, chương trình máy bay thương mại của Boeing gặp phải một số vấn đề trong sản xuất và kiểm soát chất lượng, khiến việc bàn giao các dòng máy bay bán chạy nhất 737 và 787 Dreamliner bị hạn chế, dẫn đến tình trạng thua lỗ.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Calhoun cho rằng tình hình chuỗi cung ứng đang dần ổn định. Ông cho biết đang vạch ra kế hoạch tăng sản lượng máy bay 737 MAX từ 31 chiếc/tháng lên 38 chiếc/tháng.

Tương tự như Boeing, Airbus cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sản xuất và tiếp tục giải quyết những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury xác nhận kế hoạch thúc đẩy sản xuất dòng A320, đạt chỉ tiêu 75 chiếc máy bay mỗi tháng vào năm 2026.

Theo ông Faury, trong điều kiện chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất luôn biến động, hãng sẽ không đặt ra các mục tiêu tạm thời nữa mà sẽ tiếp tục có các điều chỉnh chiến lược về sản lượng nếu cần.

Airbus xác nhận mục tiêu giao khoảng 720 máy bay thương mại trong năm nay. Ông Faury cho biết thêm, nhu cầu đối với máy bay thương mại của hãng vẫn rất cao, với 800 đơn đặt hàng ghi nhận tại Triển lãm Hàng không Paris.

Nhà sản xuất máy bay của châu Âu này có tổng cộng 1.044 đơn đặt hàng trong nửa đầu năm, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022 và con số này cũng gần đuổi kịp kỷ lục 1.590 máy bay Airbus bàn giao vào năm 2014.

Theo ông Faury, sở dĩ số đơn đặt hàng máy bay tăng mạnh như vậy là do tăng trưởng của lĩnh vực hàng không, cũng như nhu cầu thay thế các máy bay cũ để phù hợp hơn với mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu.

Airbus trước đó đã giành được đơn đặt hàng 500 máy bay thân hẹp từ hãng hàng không giá rẻ IndiGo của Ấn Độ. Hợp đồng trị giá hàng tỷ USD trên vượt hợp đồng mua tổng cộng 470 máy bay của Air India vào đầu năm nay, khi hai hãng hàng không lớn nhất Ấn Độ này chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng mạnh trong khu vực.

Hợp đồng đặt hàng máy bay A320neo của IndiGo được ký kết sau nhiều tháng kể từ khi hai bên khởi động đàm phán.

Giám đốc điều hành (CEO) IndiGo, Pieter Elbers, cho rằng việc ký hợp đồng mới chỉ là bước khởi đầu. Với sự tăng trưởng của thị trường hàng không Ấn Độ, đây là thời điểm thích hợp để đặt hàng. Số máy bay trên sẽ được bàn giao từ năm 2030 đến năm 2035.

Trong khi đó, hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) cũng tìm cách đặt mua khoảng 50 máy bay Airbus A321neo, còn Japan Airlines cân nhắc kế hoạch mua máy bay một lối đi, trong đó có cả A321neo, cùng với máy bay thân rộng Boeing 787. Nhật Bản vốn được xem là thị trường truyền thống của Boeing. Boeing thiết lập vị trí dẫn đầu ở thị trường này dựa trên mối quan hệ thương mại của Nhật Bản với Mỹ.

Tuy vậy, Airbus đã dần thâm nhập vào thị trường của Nhật Bản và A321neo đã trở thành một trong những mẫu máy bay bán chạy nhất của hãng vì cung cấp phạm vi hoạt động và tiết kiệm nhiên liệu được cải thiện so với các máy bay cũ của Boeing./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục