Airbus - từ 'giấc mơ châu Âu' đến 'người khổng lồ' toàn cầu

Sở hữu lực lượng 130.000 nhân viên tay nghề cao trên toàn cầu, Airbus được ví như một cỗ máy tràn đầy năng lượng xét về năng suất, xuất khẩu và đổi mới cho châu Âu.
Máy bay A380 của Airbus được sản xuất tại nhà máy ở Blagnac, miền Nam nước Pháp, ngày 21/3/2018. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Không lâu trước đây, thế giới hàng không thương mại là “sân chơi” của nhiều cái tên như McDonnell Douglas, BAe, Saab, Lockheed, Fokker hay Convair, song những năm trở lại đây, ta chỉ hay bắt gặp máy bay của Airbus hoặc Boeing.

Điều đáng nói, Airbus với tuổi đời ít hơn lại tích lũy cho mình thành tích có phần đáng nể hơn Boeing, đủ cho thấy tầm cỡ của hãng chế tạo máy bay châu Âu.

Airbus được phát triển tại châu Âu như một lời đáp lại sự tăng trưởng nhanh chóng của Boeing - đối thủ đến từ Mỹ.

Hiểu ra rằng phải “bắt tay” mới có thể giành sức mạnh thị trường thực sự, Chính phủ Pháp, Đức và Anh năm 1967 nhất trí sản xuất một máy bay thúc đẩy công nghệ và biểu tượng hóa đà tăng trưởng kinh tế.

Thiết kế ban đầu của chiếc máy bay đó đã nhận được phản hồi tích cực từ công chúng.

Năm 1972, mẫu máy bay A300B hoàn thành chuyến bay đầu tiên, mở ra cho hành khách nhiều cơ hội bay hơn với chi phí rẻ hơn.

Thành công của những mẫu máy bay ban đầu cho phép Airbus giành được thị trường châu Âu và các khu vực khác vào thời điểm đi lại bằng đường hàng không bắt đầu trở nên phổ biến.

Với việc cho ra đời máy bay A320 vào năm 1981, vị thế của Airbus trong ngành hàng không được đảm bảo.

Hai thập niên kế tiếp, quy mô cũng như thế lực của Airbus gia tăng khi hãng trình làng gia đình máy bay A300/A310, gia đình A320 và A330/340...

Nỗ lực và thành công của Airbus được khắc họa rõ hơn khi hãng được đặt cạnh Boeing, trong một cuộc đua “nghẹt thở” với đối thủ đến từ Mỹ.

Boeing trong nhiều năm thống thị các thị trường tại mỗi khu vực nhờ lợi thế tiên phong và lịch sử hoạt động lâu đời.

Những năm về sau, Airbus nổi lên giành thị phần và mang về cho mình lượng đơn đặt hàng và lượng máy bay bàn giao ngang ngửa Boeing.

Cách đây chưa lâu, Airbus còn "tung đòn" quyết định gia tăng sự cách biệt với đối thủ Mỹ khi chế tạo máy bay A350-900 cho hãng hàng không Japan Airlines, phá vỡ thế độc quyền của Boeing tại hãng hàng không Nhật Bản.

Airbus tuy không tăng trưởng bùng nổ như Boeing, song nhờ tiếp cận sớm với thị trường và sự nhất quán trong trách nhiệm, hãng chế tạo máy bay châu Âu đã vươn lên trở thành một trong những hãng chế tạo máy bay đứng đầu thế giới.

Bước sang năm hoạt động thứ 51, Airbus phụ trách một nửa số lượng máy bay thương mại cỡ lớn của thế giới và kinh doanh phát đạt mảng máy bay trực thăng, quốc phòng và không gian.

Sở hữu lực lượng 130.000 nhân viên tay nghề cao trên toàn cầu, Airbus được ví như một cỗ máy tràn đầy năng lượng xét về năng suất, xuất khẩu và đổi mới cho châu Âu.

Airbus bàn giao 800 máy bay trên toàn cầu trong năm 2018, tăng 11% so với năm trước đó. Cổ phiếu của Airbus có “màn trình diễn” ngoạn mục trong chỉ số S&P 500 trong 10 năm qua.

Quý 1/2019, Airbus thu về 549 triệu euro (622,65 triệu USD) lợi nhuận trước thuế và lãi đã điều chỉnh, tăng gần 40 lần so với mức 14 triệu euro trong cùng kỳ năm 2018.

Doanh thu của hãng trong ba tháng đầu năm nay đạt 12,5 tỷ euro, so với mức 10,1 tỷ euro ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.

Dưới sự dẫn dắt của tân Giám đốc điều hành (CEO) Guillaume Faury, Airbus hiện mang trên mình trọng trách vượt qua thành công sự kiện Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hay các xung đột thương mại giữa Mỹ với nhiều nước đối tác.

Tác động tiêu cực của tiến trình Brexit được cho là có thể phá vỡ chuỗi cung ứng máy báy, linh kiện máy bay và vệ tinh vốn trải khắp châu Âu, có thể buộc Airbus cân nhắc lại chiến lược sản xuất trong dài hạn và đưa ra những quyết định dũng cảm trong trường hợp xảy ra kịch bản "cứng."

Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng Airbus có cơ hội hưởng lợi từ thị trường hàng không đang bùng nổ, đặc biệt tại châu Á, và cả sau sự cố dòng máy bay 737 MAX của đối thủ đến từ Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục