Airbus 'quyết đấu' với Boeing trên thị trường máy bay chở hàng

Airbus sẽ cho ra mắt một phiên bản máy bay chở hàng của dòng máy bay chở khách A350 để cạnh tranh với một trong những dòng máy bay chủ lực sinh lời nhất của đối thủ Boeing.
Airbus 'quyết đấu' với Boeing trên thị trường máy bay chở hàng ảnh 1Ban giám đốc Airbus ủng hộ việc đưa một chiếc máy bay chở hàng A350 vào hoạt động vào năm 2025. (Nguồn: economictimes.indiatimes.com)

Với dự đoán sự bùng nổ trong hoạt động mua sắm trực tuyến do đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài lâu hơn chính cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này, tập đoàn chế tạo máy bay của châu Âu Airbus ngày 19/7 đã công bố kế hoạch cho ra mắt một phiên bản máy bay chở hàng của dòng máy bay chở khách A350 để cạnh tranh với một trong những dòng máy bay chủ lực sinh lời nhất của đối thủ Boeing.

Airbus cho biết ban giám đốc đã ủng hộ việc đưa một chiếc máy bay chở hàng A350 vào hoạt động vào năm 2025.

Trước đó, hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) hồi tháng Ba đã lần đầu tiên đề cập đến kế hoạch của Airbus trong việc thách thức sự kiểm soát của Boeing đối với thị trường máy bay chở hàng suốt hàng chục năm qua với các mẫu máy bay 767, 777 và 747.

[Airbus và Boeing: “Bộ đôi quyền lực” của ngành chế tạo máy bay]

Boeing vẫn chiếm lĩnh thị trường máy bay chở hàng suốt nhiều năm qua, kể cả khi bị Airbus giành lấy vị trí nhà sản xuất máy bay chở khách lớn nhất thế giới.

Giám đốc điều hành của Boeing Dave Calhoun ngày 28/7 đã bày tỏ hy vọng Boeing sẽ sớm có một phiên bản máy bay chở hàng của mẫu 777X, vốn được dự đoán sẽ là máy bay chở khách động cơ đôi lớn nhất thế giới, nhưng quá trình phát triển máy bay này đã bị trì hoãn do nhu cầu thấp và các tiêu chuẩn về chứng chỉ an toàn được thắt chặt.

Airbus hy vọng sự ra đời của máy bay chở hàng trọng lượng thấp bằng sợi carbon đầu tiên trên thế giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho “ông lớn” này, khi các tiêu chuẩn khắt khe hơn về khí thải sẽ có hiệu lực vào năm 2028. Boeing được dự đoán sẽ phản biện rằng máy bay chở hàng 777X sẽ tương thích hơn với cơ sở hạ tầng hiện tại.

Khoảng một nửa hàng hóa trên toàn cầu tính theo giá trị đang được vận chuyển bằng đường hàng không, và một nửa trong số này lại được vận chuyển bằng máy bay chở khách.

Trong đại dịch COVID-19, nhiều hãng hàng không buộc phải dừng vận hành nhiều máy bay chở khách, làm gia tăng nhu cầu đối với máy bay chở hàng, trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ trước tình hình phong tỏa ở nhiều nơi do dịch bệnh.

Cũng trong ngày 29/7, Airbus cho biết đã đạt lợi nhuận ròng 2,2 tỷ euro (2,6 tỷ USD) trong quý 1, đồng thời dự đoán sẽ giao 600 máy bay và đạt lợi nhuận hoạt động kinh doanh 4 tỷ euro (đã điều chỉnh) trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục