Airbus kêu gọi chấm dứt bất đồng liên quan Brexit và trợ cấp máy bay

CEO của Airbus cho rằng sẽ là điều đáng tiếc nếu sau nhiều năm chuẩn bị mà hai bên không đạt thỏa thuận cuối cùng nào và sẽ tốt hơn nhiều cho EU và Anh khi Brexit diễn ra một cách có trật tự.
Biểu tượng Airbus tại trụ sở ở Saint-Martin du Touch, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc điều hành (CEO) hãng sản xuất máy bay của châu Âu Airbus Guillaume Faury ngày 14/12 kêu gọi chấm dứt bất đồng liên quan đến việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, và trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay, vốn đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hãng.

Theo ông Faury, Airbus đang chuẩn bị cho kịch bản gián đoạn nếu xảy ra tình trạng Brexit "không thỏa thuận" - chỉ việc Anh và EU không đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại song phương cho giai đoạn hậu Brexit.

Ông Faury cho rằng sẽ là điều đáng tiếc nếu sau nhiều năm chuẩn bị mà hai bên không đạt thỏa thuận cuối cùng nào và sẽ tốt hơn nhiều cho EU và Anh khi Brexit diễn ra một cách có trật tự.

[Mỹ đề xuất với EU giải pháp cho tranh chấp liên quan trợ giá máy bay]

Bình luận của ông Faury được đưa ra sau khi ngành sản xuất của Anh cảnh báo về một nguy cơ tiềm tàng nếu Thủ tướng Anh Boris Johnson không thể đảm bảo một thỏa thuận thương mại với EU trước khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào ngày 31/12.

Bên cạnh đó, ông Faury cũng kêu gọi một thỏa hiệp trong cuộc chiến kéo dài 16 năm tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giữa Mỹ và EU về các khoản trợ cấp bất hợp pháp.

Ông Faury cho biết Airbus đang tìm kiếm một thỏa thuận lâu dài giữa hai bên và điều này có thể trở thành hiện thực.

Theo các chuyên gia kinh tế, căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và EU liên quan đến trợ giá máy bay có thể gây ra những tổn thất rất lớn, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hoạt động sau này của các công ty cùng những thiệt hại kinh tế không đáng có cho cả hai bờ Đại Tây Dương.

Giữa lúc ngành hàng không thế giới, bao gồm cả Airbus và Boeing, đang chìm trong cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19, giới quan sát cho rằng một cuộc chiến thuế quan kéo dài làm tăng giá máy bay không có lợi cho cả EU và Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục