Airbus đứng trước nguy cơ bị phạt hàng tỷ USD do cáo buộc tham nhũng

Các nhà chức trách Mỹ đang tiến hành điều tra hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu do những cáo buộc hối lộ và tham nhũng, khiến hãng này đối mặt với khả năng bị phạt hàng tỷ USD.
Airbus đứng trước nguy cơ bị phạt hàng tỷ USD do cáo buộc tham nhũng ảnh 1Máy bay của hãng Airbus tại Colomiers, Tây Nam Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà chức trách Mỹ đang tiến hành điều tra hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu do những cáo buộc hối lộ và tham nhũng, khiến hãng này đối mặt với khả năng bị phạt hàng tỷ USD.

Theo nguồn tin từ báo Le Monde của Pháp, Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra về các hành vi sai phạm của Airbus vào cuối năm 2017, nhưng chỉ thông báo cho tập đoàn này vào cuối mùa Hè năm nay. Trong một thông báo, Airbus cho biết hãng đang hợp tác với các nhà chức trách Mỹ trong cuộc điều tra này.

Đây là đòn mới nhất giáng vào Airbus trong nỗ lực phục hồi sau một số cuộc điều tra tham nhũng, trước khi Giám đốc điều hành mới của tập đoàn lên nắm quyền vào năm tới.

Hãng chế tạo máy bay Âu này đã vướng vào một loạt cuộc điều tra tham nhũng trong những năm gần đây, trong đó gần đây nhất hãng đã phải nộp khoản tiền phạt 81 triệu euro trong cuộc điều tra của Đức với cáo buộc Airbus đã "lót tay" trong một thương vụ bán máy bay Eurofighter cho Áo.

[Airbus mở trung tâm đầu tiên hoàn thiện máy bay tại Trung Quốc]

Cuộc điều tra xuất phát từ tiết lộ của Airbus vào đầu năm 2016 rằng hãng đã không thông báo với các nhà chức trách về khoản tiền đã mất cho phía trung gian để giành một số hợp đồng, đặc biệt là ở châu Á.

Những khoản tiền chuyển cho bên thứ ba như vậy là được phép theo bộ hướng dẫn chống tham nhũng mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế xây dựng, với điều kiện người nhận phải được công bố danh tính rõ ràng và khoản tiền hoa hồng đó được báo cáo đầy đủ.

Tuy nhiên, năm 2013, Airbus nhận thấy có sự chênh lệch về số tiền hoa hồng của một số hợp đồng trong những năm trước và bên trung gian không được báo cáo cho các cơ quan xuất khẩu các nước. Văn phòng chống tham nhũng của Anh đã mở cuộc điều tra gian lận, hối lộ và tham nhũng vào năm 2016, với các cáo buộc nhằm những sai phạm liên quan đến sự tham vấn của bên thứ ba. Văn phòng này đang phối hợp với Văn phòng Công tố Tài chính của Pháp, cơ quan cũng đã khởi động điều tra các hợp đồng của Airbus.

Airbus gần đây thông báo đã xóa bỏ bộ phận tiếp thị và chiến lược chịu trách nhiệm giám sát bên trung gian trong các hợp đồng ký từ năm 2009-2013 đang được điều tra. Động thái phản ứng trước các cáo buộc sai phạm cho thấy Airbus hy vọng Bộ Tư pháp Mỹ sẽ tham gia vào các cuộc điều tra của Anh và Pháp. Bằng cách này hãng có thể tránh được việc phải đối mặt với mức phạt nặng từ các nhà chức trách Mỹ cũng như khả năng phải hầu tòa.

Cuộc điều tra của Mỹ có thể khiến Airbus thiệt hại lớn, bởi nếu bị kết luận là có hành vi tham nhũng, hãng này có thể không được tham gia vào các hợp đồng quốc tế trong vài năm. Điều này lại có lợi cho đối thủ Boeing của Mỹ cũng như của Trung Quốc đang muốn thâm nhâp thị trường Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục