Ngày 18/6, hãng chế tạo máy bay hàng đầu của châu Âu Airbus đã đạt được thỏa thuận bán máy bay cho hãng hàng không Cebu Air của Philippines với trị giá 6 tỷ USD. Thỏa thuận đã củng cố vị trí dẫn đầu của Airbus về lượng đặt hàng tại Triển lãm Hàng không Paris năm nay.
Đơn hàng của Cebu Air bao gồm 10 chiếc A321XLR - mẫu máy bay vừa được Airbus ra mắt tại Triển lãm Hàng không Paris, cùng với đó là 16 chiếc A330neo và 5 chiếc A320neo.
[Airbus ra mẫu máy bay mới tại Triển lãm Hàng không Paris]
Theo một số nguồn tin thân cận, hãng hàng không American Airlines và hãng cho thuê máy bay GECAS của Mỹ cũng đang đàm phán mua A321XLR, nhằm giảm chi phí cho những đường bay mới của các hãng hàng không khi sử dụng máy bay nhỏ hơn.
Vào lúc 15 giờ ngày 18/6 (giờ Việt Nam), giá cổ phiếu của Airbus đã tăng 1,2% lên mức cao kỷ lục 126,48 euro/cổ phiếu. Bất chấp các đơn hàng “đổ dồn” về mẫu A321XLR của Airbus, các hoạt động ký kết đơn hàng tại Triển lãm Hàng không Paris vẫn “trầm lắng” hơn so với mọi khi. Điều này làm gia tăng những đồn đoán rằng thời kỳ bùng nổ các đơn hàng máy bay, vốn đã kéo dài suốt thập kỷ qua, có thể đang đến hồi kết thúc.
Trong bối cảnh các hãng hàng không phải vật lộn với tình trạng dư thừa công suất, các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và căng thẳng địa chính trị gia tăng, nhiều nhà phân tích cảnh báo những tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu như Airbus và Boeing có thể đối mặt với tình trạng hủy đơn hàng ngày càng gia tăng.
Mặc dù vậy, các hãng chế tạo máy bay vẫn lạc quan cho rằng nhu cầu đối với các loại máy bay tiết kiệm nhiên liệu vẫn sẽ gia tăng, khi những quy định về giảm khí thải gây ô nhiễm được siết chặt hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu di chuyển bằng đường không sẽ tiếp tục tăng do tầng lớp trung lưu tại châu Á ngày càng đông hơn./.