Airbus "bỏ xa" Boeing sau khi thoát khỏi khủng hoảng COVID-19

Trong những tuần qua, Airbus liên tục đón nhận những tin vui mới. Hãng chế tạo máy bay này vừa hoàn tất hợp đồng bán cho công ty hàng không giá rẻ Wizz Air của Hungary khoảng 100 máy bay mới.
Máy bay của Airbus bay trình diễn tại triển lãm hàng không Paris ở sân bay Le Bourget, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo Le Monde của Pháp số ra ngày 14/9, tính đến hết tháng 8/2021, tập đoàn hàng không châu Âu Airbus đã nhận được số đơn đặt hàng lớn gần gấp đôi của đối thủ cạnh tranh Boeing (Mỹ).

Trong những tuần qua, Airbus liên tục đón nhận những tin vui mới. Hãng chế tạo máy bay này vừa hoàn tất hợp đồng bán cho công ty hàng không giá rẻ Wizz Air của Hungary khoảng 100 máy bay mới. Hãng hàng không này hoạt động rất tích cực và đang muốn đẩy nhanh tiến độ phát triển thông qua việc mua hàng loạt máy bay tầm trung. Hợp đồng này chưa chính thức được ký kết và có giá trị lên đến gần 12 tỷ USD, căn cứ vào giá niêm yết của nhà sản xuất.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong số hàng chục thương vụ gần đây của nhà sản xuất có trụ sở chính tại Toulouse, Pháp. Rất nhiều công ty hàng không đã bị thuyết phục bởi những lợi thế của dòng máy bay A320 thế hệ mới, cũng như những phiên bản khác của dòng máy bay này.

Đầu tháng 8/2021, Delta Airlines đã đặt mua thêm 30 chiếc A321 với số tiền hơn 4 tỷ USD. Thậm chí, Airbus còn giành được cả những khách hàng vốn có truyền thống gắn bó với Boeing. Cuối tháng trước, hãng hàng không giá rẻ của Anh, Jt 2, thông báo đã ký hợp đồng mua 36 chiếc A321 Neo đầu tiên để bổ sung cho phi đội gồm toàn Boeing 737, qua đó giúp tập đoàn hàng không châu Âu "bỏ túi" thêm gần 5 tỷ USD.

Trong khi Airbus đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, Boeing bị bỏ lại khá xa phía sau. Michael O’Leary, ông chủ của hãng hàng không giá rẻ Ryanair của Ireland (Ai-len), đã chính thức thông báo việc chấm dứt các cuộc đàm phán kéo dài hơn 6 tháng qua liên quan đến hợp đồng mua 200 máy bay, phần lớn là 737 MAX, với trị giá hợp đồng lên đến 25 tỷ USD. Ông O’Leary phát biểu: “Trong tuần qua, chúng tôi đã thấy rõ ràng là khoảng cách về giá cả giữa các đối tác khó có thể san lấp. Do đó, hai bên nhất trí là không làm mất thêm thời gian của nhau cho cuộc đàm phán này.”

[Singapore dỡ bỏ lệnh cấm bay với Boeing 737 MAX sau 2 năm]

"Trái đắng" của Boeing hoàn toàn không phải là điều bất ngờ. Giờ không còn là lúc nhà sản xuất Mỹ sẵn sàng chấp nhận giảm giá lớn cho các khách hàng quan trọng như Ryanair.

Những trục trặc của dòng máy bay 737MAX, bị cấm bay đã hơn một năm sau hàng loạt vụ tai, khiến cho Boeing phải trả giá rất đắt. Hãng đã thiệt hại 15 tỷ USD, chưa kể khoản tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân cũng như công ty hàng không do họ bị thiếu máy bay để vận hành hoặc chậm được giao hàng trong thời gian dài.

Khoảng cách giữa Airbus và Boeing hoàn toàn có thể dự đoán được, vì đó là kết quả hợp logic của việc tập đoàn châu Âu vươn lên vị trí số một trên thị trường thế giới cách đây gần bốn năm. Ban đầu, những khác biệt này đã bị phủ mờ, vì người ta tưởng rằng đó là do hậu quả của vụ 737 MAX và sau đó là khủng hoảng COVID-19.

Theo ông Steophane Albernhe, Chủ tịch hãng tư vấn trong lĩnh vực hàng không Archery Strategy Consulting, trong tương lai, Airbus sẽ tiếp tục giữ được 60% thị phần xét tính theo số lượng máy bay được giao, vì khoảng cách giữa hai hãng đã được nới rộng.

Hiện nay, Airbus thống trị hoàn toàn phân khúc máy bay tầm trung, có sức tải lớn nhất. Đến cuối tháng 8/2021, hãng đã nhận được tổng cộng đơn đặt hàng lên đến hơn 6.300 máy bay loại này, bảo đảm cho dây chuyền sản xuất hoạt động liên tục trong 7-8 năm tới. Về phần Boeing, số hợp đồng thấp hơn nhiều, chỉ có 3.314 chiếc.

Airbus nắm giữ nhiều lợi thế để duy trì vị thế hàng đầu thị trường. Sức mạnh lớn nhất là có đầy đủ các dòng máy bay thế hệ mới, có hiệu quả hoạt động cao, mức tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn hẳn thuộc tất cả các phân khúc. Sản phẩm của Airbus trải rộng từ loại máy bay tầm ngắn A220 cho đến máy bay tầm xa trọng tải lớn A350. Bên cạnh đó, Airbus có thêm A321 Neo.

Dòng máy bay này là sản phẩm ưa chuộng của các hàng hàng không, vì nó kết hợp chi phí thấp hơn của máy bay tầm trung và hiệu quả của máy bay tầm xa. Theo ông Steophane Albernhe, đây là loại máy bay không đắt, dễ lấp đầy ghế nên dễ mang lại lợi nhuận cao cho khách hàng sử dụng. Đối với phân khúc này, Boeing không có sản phẩm tương tự.

Thêm vào đó, hãng Boeing vẫn chưa quyết định thời điểm tung ra thị trường dòng máy bay thuộc phân khúc giữa của thị trường để cạnh tranh với A321. Theo Stephane Albernhe, một chiếc máy bay mới bắt đầu thiết kế hôm nay phải mất ít nhất 7 năm mới có thể ra mắt thị trường. Đến lúc đó, các hãng hàng không sẽ chỉ quan tâm tới các loại máy bay thế hệ mới dự tính xuất hiện vào năm 2035, có thiết kế hiện đại và không gây ảnh hưởng đến môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục