Gần 45 năm hình thành và phát triển, Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) với sự năng động, trách nhiệm của cơ quan lập pháp các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ từ một tổ chức mang tính liên kết, hợp tác nghị viện thành một thể chế Liên nghị viện rõ nét, gắn kết định hình tầm nhìn mới, với các sáng kiến và quyết định về chính sách lập pháp chung, phù hợp với lợi ích, mối quan tâm của cộng đồng.
AIPA với tư cách là thể chế liên minh các cơ quan lập pháp, đại diện cho tiếng nói của nhân dân Đông Nam Á đã không ngừng chuyển động tiến lên phía trước, phát huy vai trò của mình, thống nhất hành động, đồng hành, hậu thuẫn cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của chính phủ các nước ASEAN hướng đến đạt được khát vọng chung: xây dựng một Cộng đồng chung đoàn kết, năng động và thịnh vượng.
Không ngừng củng cố, tiếp sức mạnh cho ASEAN
AIPA là một tổ chức hay thể chế tư vấn khu vực; đóng vai trò là trung tâm liên kết, trao đổi thông tin, tìm tiếng nói đồng thuận giữa các nghị viện thành viên về những vấn đề quan tâm chung. AIPA nhằm mục đích khuyến khích sự hiểu biết, hợp tác chặt chẽ giữa các Nghị viện thành viên cũng như các nghị viện quan sát viên và các tổ chức nghị viện khác. AIPA cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân Đông Nam Á tiếp cận với các chính sách nhằm thúc đẩy quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2025.
Tổ chức này ra đời vào ngày 2/9/1977 với tên gọi ban đầu là Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO) do trưởng đoàn các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan tham dự Hội nghị liên nghị viện ASEAN lần thứ ba tại Manila (Philippines) đồng thuận thành lập và có liên kết chính thức với ASEAN.
Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên, tiếp theo là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 1997, Campuchia năm 1999, Brunei Darussalam năm 2009 và Myanmar năm 2011.
Tại Đại hội đồng AIPO lần thứ 27 tổ chức tại thành phố Cebu (Philippines) năm 2006, các nước thành viên đã có sự đồng thuận chuyển đổi tổ chức thành một thể chế tích hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn với tên mới là AIPA.
Khác với mô hình cũ, AIPA có một cơ chế, bộ máy hoạt động chuyên nghiệp hiệu lực, hiệu quả hơn như Hội nghị Ban Chấp hành không còn là một phiên họp mang tính nghi thức trước thềm Ðại hội đồng mà phải được tiến hành trước kỳ Ðại hội đồng ít nhất ba tháng để chuẩn bị và quyết định về thực chất toàn bộ nội dung, chương trình nghị sự của Ðại hội đồng cùng những nội dung quan trọng khác của Liên minh Nghị viện khu vực; bổ nhiệm Tổng Thư ký chuyên nghiệp theo mô hình ASEAN (trước đây, Tổng Thư ký AIPO do Tổng Thư ký Nghị viện quốc gia đảm đương cương vị Chủ tịch điều hành trong một năm, theo thứ tự luân phiên).
[TTK AIPA: Việt Nam đóng góp rất quan trọng cho quá trình đổi mới AIPA]
Theo ông Ngô Anh Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Ðứng trước bối cảnh này, các thể chế hợp tác quốc tế cũng phải tự cải tổ để đổi mới, sao cho hoạt động ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn. Bản thân Liên hợp quốc và các cơ quan của Liên hợp quốc cũng đang được cải tổ và hoàn thiện hơn.
Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) - Tổ chức liên nghị viện lớn nhất hành tinh - cũng đã bắt đầu quá trình này từ nhiều năm gần đây. Do đó, việc cải tổ AIPO để chuyển thành AIPA là một xu thế tất yếu song cần có một lộ trình phù hợp với các bước đi của ASEAN.
Luôn gắn kết với thể chế hợp tác ASEAN, gần 45 năm qua, kể từ khi thành lập, AIPA đã có những đóng góp to lớn vào quá trình hội nhập của khu vực, tạo những tiền đề vững chắc để xây dựng ASEAN thành một cộng đồng phát triển năng động, gắn bó.
Như nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA-41 từng khẳng định trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng AIPA-41: ASEAN và AIPA là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, kề vai sát cánh, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn, thách thức.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với biến thể Delta gây ra những thiệt hại lớn về người, đe dọa làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của khu vực và thế giới, bên cạnh đó là những thách thức từ biến đổi khí hậu, an ninh truyền thống và phi truyền thống, tạo nguy cơ kéo lùi những thành quả phát triển của toàn khối trong những thập kỷ qua, đặt ra yêu cầu cấp bách với AIPA trong sự thống nhất, đoàn kết nội khối với phương châm: “một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng đùm bọc và sẻ chia” để thích ứng, đồng hành với cơ quan hành pháp các nước ASEAN đối phó hiệu quả những thách thức, tiếp tục khẳng định vị thế trung tâm của ASEAN trong một châu Á năng động.
Thành viên tích cực, chủ động, trách nhiệm của AIPA
Với quan điểm hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của Đảng và Nhà nước, ngay sau khi gia nhập ASEAN tháng 7/1995, chỉ hai tháng sau, ngày 19/9/1995, Quốc hội Việt Nam chính thức trở thành thành viên AIPO, tại Đại hội đồng AIPO-16 ở Singapore.
“Việc Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO sau khi Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN là một sự kiện rất có ý nghĩa, đánh dấu sự thay đổi đáng kể ở Đông Nam Á, vì độc lập và phồn vinh của mỗi quốc gia trong khu vực này,” nguyên Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh nhấn mạnh trong diễn văn tại AIPO-16.
Sau khi gia nhập AIPO, vào những thời điểm khó khăn của khu vực, Quốc hội Việt Nam có những động thái kịp thời, cùng với nghị viện các nước thành viên AIPO góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh trong khu vực.
Năm 2002, đánh dấu một cột mốc quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong “mái nhà chung” AIPO, khi lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng Tổ chức liên nghị viện ASEAN (AIPO) và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch của Tổ chức. Sự kiện này phản ánh quá trình chuyển động mang tính đột phá của Quốc hội Việt Nam từ thành viên tích cực hội nhập thành thành viên chủ động nêu sáng kiến và phát huy vai trò dẫn dắt trong AIPO cũng như AIPA sau này. Trong tổng số 33 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp có 20 nghị quyết do Việt Nam đề xuất và điều quan trọng là những ý tưởng của Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Tám năm sau, trong không khí cả nước hân hoan chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội với tinh thần “chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế”, Quốc hội Việt Nam vinh dự lần thứ 2 đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch AIPA, đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng AIPA-31 (từ ngày 20-24/9/2010), chủ đề “Đoàn kết các dân tộc vì sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN.”
Tinh thần chung của kỳ họp theo như đánh giá của Chủ tịch AIPA Nguyễn Phú Trọng là: Đoàn kết, hữu nghị, hợp tác vì một cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển bền vững, phồn vinh và thịnh vượng; nâng cao vai trò, vị thế của AIPA; sự phối hợp ASEAN-AIPA, làm cho ASEAN và AIPA ngày càng gần gũi với nhân dân.
Đại hội đồng AIPA-31 đã thông qua 22 nghị quyết về hàng loạt vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực được quan tâm hàng đầu tại thời điểm đó. Với việc tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA-31, Quốc hội Việt Nam đã làm tròn trách nhiệm của mình trên cương vị Chủ tịch AIPA trong nhiệm kỳ 2009-2010, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với AIPA và những nỗ lực của Việt Nam hội nhập vào khu vực.
Nếu như ở hai kỳ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPO/AIPA trước, Quốc hội Việt Nam đã làm tròn trách nhiệm của mình trên cương vị Chủ tịch, thì tới năm 2020, Quốc hội Việt Nam tiếp tục thể hiện rõ nét vai trò lãnh đạo quyết đoán của Chủ tịch trước tác động chưa từng có của đại dịch COVID-19 khi tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA-41 theo hình thức trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử AIPA.
Thành công này đóng góp vào thành tựu ngoại giao chung của đất nước trong năm 2020 - hoàn thành tốt cả ba trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.
Đại hội đồng AIPA-41 đã có nhiều sáng kiến đổi mới thực chất về quy trình thông qua văn kiện họp trực tuyến, số lượng nghị quyết không nhiều, nhưng nội dung khá toàn diện và bao trùm, đáp ứng thiết thực lợi ích của AIPA và các nghị viện thành viên.
Đáng chú ý, sau ba kỳ Đại hội đồng không thể tổ chức thì lần này Đại hội đồng AIPA-41 đã tổ chức được cuộc họp của Ủy ban Chính trị. Đây là kết quả rất quan trọng. Đặc biệt, với sáng kiến của Việt Nam kể từ Đại hội đồng AIPA-41 có Hội nghị nghị sỹ trẻ AIPA, Hội nghị quan hệ đối tác nghị viện vì phát triển bền vững trong khuôn khổ AIPA. Hai sáng kiến này của Quốc hội Việt Nam được toàn thể các nghị viện thành viên ủng hộ, đồng tình.
Những nội dung của Năm Chủ tịch AIPA 2020, Đại hội đồng AIPA-41 đã mở ra cho AIPA một Tầm nhìn chiến lược trong 5-10 năm tới, khẳng định vai trò của ngoại giao nghị viện khu vực và quốc tế, góp phần vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển, Cộng đồng của người dân, hướng tới người dân, hòa bình và thịnh vượng.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết Năm Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á 2020 (Chủ tịch AIPA 2020) và Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA-41), nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong chặng đường 25 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, phát triển mạnh mẽ và góp phần vào việc củng cố, hoàn thiện bộ máy, tổ chức của AIPA. Thành công của Năm Chủ tịch AIPA 2020 và Đại hội đồng AIPA-41 là bước tiếp nối những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong quá trình phát triển của AIPA.
Đánh giá cao về vai trò dẫn dắt của Quốc hội Việt Nam trong năm Chủ tịch AIPA 2020, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei Pehin Abdul Rahman Taib, nước Chủ tịch AIPA-42 nói: “Cần khen ngợi nhiệm kỳ Chủ tịch AIPA của Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã thể hiện thành công cam kết kiên định và sự tận tụy, cũng như hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tổ chức Đại hội đồng AIPA trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, vào thời điểm cả khu vực và thế giới vẫn đang phải đối mặt với những tác động của đại dịch COVID-19”./.