Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 8/9, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan - Chủ tịch Hạ viện Chuan Leekpai đã dẫn đầu đoàn đại biểu Thái Lan tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Đại Hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41) diễn ra dưới hình thức trực tuyến với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.”
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai bày tỏ cảm ơn đối với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch AIPA 41 - mời Thái Lan tham dự AIPA 41, đồng thời chúc mừng Chính phủ Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.
Theo Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai, ASEAN hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế chưa có tiền lệ.
Đại dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm đến nay đã buộc rất nhiều nước trong khu vực phải đương đầu với một số thách thức mới và khó khăn. Ngoài sức ép to lớn đối với cơ sở hạ tầng y tế và sức khỏe cộng đồng, đại dịch này đang tàn phá cuộc sống, xã hội và các nền kinh tế.
[Lào đề cao vai trò Chủ tịch ASEAN và AIPA của Việt Nam]
Ông Chuan Leekpai cho rằng suy giảm rõ ràng trong sự phối hợp khu vực vào thời điểm này, khi ASEAN đang phải đương đầu với những khó khăn do tình trạng địa chính trị và chiến lược không chắc chắn, có thể tác động bất lợi tới tính trung tâm của ASEAN - điều đã là một cơ sở quan trọng cho vai trò của tổ chức này trong các vấn đề khu vực và thế giới.
Để các nghị viện thành viên AIPA có thể làm việc cùng nhau trong thời điểm khó khăn này, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai đã nêu lên các quan điểm nhằm đạt được những mục tiêu chung của AIPA.
Thứ nhất, các nghị viện phải tái khẳng định mối liên kết trực tiếp với người dân. Phản ánh tầm nhìn lấy người dân làm trung tâm của ASEAN, các nghị viện thành viên phải luôn luôn sâu sát và đại diện cho quyền lợi của người dân, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương.
Nếu không tìm cách thấu hiểu những vấn đề thực sự của người dân, từng nghị viện thành viên sẽ không thể hoàn thành một cách hiệu quả trách nhiệm của mình trong vai trò giám sát và cung cấp thông tin sâu cho nhánh hành pháp.
Thứ hai, ở cấp độ khu vực, AIPA nên tập hợp những tri thức và kinh nghiệm của các nghị viện thành viên, bao gồm tri thức về một lối sống mới và không lường trước được ở tình hình hiện tại và thời kỳ hậu COVID-19.
Các nghị viện thành viên ở các nước khác nhau có thể trực tiếp liên hệ với nhau và hỗ trợ các nghị viện vận hành một cách đồng bộ và hiệu quả hơn.
Cuối cùng việc xây dựng Cộng đồng ASEAN có thể được tăng cường về cơ bản thông qua sự phối hợp hài hòa giữa các hệ thống luật pháp của các quốc gia thành viên.
Để ASEAN thực sự trở thành một cộng đồng chung, hiệp hội này cần phải thiết lập được các tiêu chuẩn pháp lý chung trên toàn khu vực. Mỗi nghị viện thành viên vẫn có thể vẫn duy trì trách nhiệm ban hành luật để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong cơ chế tài phán của riêng mình.
Hơn nữa, sự kết hợp hài hòa này mang tính cốt lõi trong việc đảm bảo các luật lệ và quy định giống nhau hoặc tương tự nhau có thể được áp dụng, nhất là đối với thương mại, đầu tư, và việc đi lại của những người có tay nghề, giúp cho Đông Nam Á không chỉ trở thành một khu vực hữu nghị mà còn thân thiện về luật pháp.
Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai tái khẳng định rằng ASEAN không thể buông lỏng sự đoàn kết trước bất kỳ mối đe dọa đang hiện hữu nào. Nếu nghị viện mạnh, nhánh hành pháp sẽ mạnh. Nếu AIPA được củng cố, ASEAN theo đó sẽ được tiếp thêm sức mạnh.
Ông Chuan Leekpai nhấn mạnh cần phải mang lại sức sống mới cho ASEAN để duy trì sự đoàn kết và tính trung tâm - điều là mục tiêu và mong muốn thực sự của các nước thành viên, và để duy trì được truyền thống tự hào mà thông qua đó các nước ASEAN đã và đang cùng tồn tại trong hơn một nửa thế kỷ qua./.