Điều đáng nói về một cuộc khủng hoảng thực sự là nó phơi bày việc tầng lớp chính trị muốn thể hiện bản thân họ như thế nào trước người dân hoặc trước thế giới nói chung.
Một sự thật không mấy dễ chịu của cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay là phần lớn mạng lưới phức tạp các thể chế quốc gia và toàn cầu được thành lập để đối phó với các đại dịch và các tác động kinh tế đã không hoạt động hiệu quả.
Kể từ dịch cúm Tây Ban Nha hay Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, thế giới chưa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng gần như "đồng bộ" cả về sức khỏe cộng đồng và kinh tế, bao gồm cả những sắp xếp công việc thể chất của những người phải xử lý cuộc khủng hoảng này.
Chính vì vậy, các phản ứng quốc gia và toàn cầu về kinh tế thường chậm trễ, mờ nhạt và rời rạc với việc các chính phủ chỉ vội vã tìm cách hạn chế thất nghiệp hàng loạt.
Nước Mỹ rút lui
Tuy nhiên, sự chú ý tương tự đã không dành cho các khía cạnh toàn cầu của cuộc khủng hoảng hiện nay.
Là Pháp, chứ không phải Mỹ, đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7).
Là Saudi Arabia, chứ không phải Mỹ, đã triệu tập hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới hàng đầu thế giới (G20). Không hội nghị nào đưa ra được một chiến lược kích thích kinh tế có sự phối hợp toàn cầu.
[Vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ đang suy giảm]
Cũng không hội nghị nào đưa ra lệnh cấm đối với các biện pháp bảo hộ, dù thực tế rằng việc bùng phát áp thuế để “bảo vệ” các dây chuyền cung ứng quốc gia quan trọng sẽ góp phần kéo dài và làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế.
Bất chấp mối đe dọa rõ ràng của đại dịch đối với hòa bình và an ninh quốc tế, Liên hợp quốc thậm chí không thể thống nhất triệu tập một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an cho đến tận đầu tháng Tư.
Bi kịch là phần lớn cuộc khủng hoảng hiện tại là có thể tránh được. Bộ máy chủ chốt để xử lý các phản ứng toàn cầu về y tế và kinh tế đã có sẵn.
Nhưng vì nhiều lý do, bộ máy này đã không được huy động hoặc được huy động không đủ sớm để có thể đi trước đường cong của dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bị thiếu hụt tài chính trong nhiều thập kỷ, khi Mỹ và các nước phân bổ nguồn lực của mình vào các vấn đề khác và phớt lờ những cảnh báo liên tục là phải tăng cường sức mạnh cho WHO.
Rộng hơn, các phong trào dân tộc chủ nghĩa trên toàn thế giới đã nhận thấy sự thuận tiện khi đánh vào tính hợp pháp của các thể chế đa phương.
Tổng thống Donald Trump, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên,” đã lần đầu tiên từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ kể từ năm 1945.
Thông thường, Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc để xử lý khủng hoảng thông qua một lực lượng đặc nhiệm chung được thành lập theo cơ chế Đối thoại Chiến lược và Kinh tế. Nhưng cơ chế đó cũng đã rơi vào tình trạng không sử dụng được.
Thay vào đó, Chính quyền Mỹ bắt đầu công kích Trung Quốc khi cơ chế này tê liệt. Thông thường, tuy không hoàn hảo, Mỹ cũng sẽ huy động cả thế giới. Lần này, khi Mỹ vắng mặt, không ai làm thế.
Vì vậy, những gì sẽ thay đổi khi cuộc khủng hoảng này cuối cùng kết thúc? Đối với Mỹ, nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, khó có thể thấy bất kỳ sự thay đổi nào.
Một chiến thắng sẽ củng cố thêm cách tiếp cận chủ nghĩa tự nhiên là mọi người tự lo cho mình. Biên giới quốc gia sẽ trở nên chặt chẽ hơn. Chủ nghĩa bảo hộ sẽ trở thành chuẩn mực toàn cầu chứ không phải là ngoại lệ, không nhớ đến các bài học của những năm 1930 khi sản lượng toàn cầu có thể thực sự tiếp tục suy giảm.
Hơn nữa, Mỹ sẽ ngày càng rút khỏi các thể chế đa phương mà chính nước này thiết lập hồi những năm 1940 tại Bretton Woods và San Francisco hoặc làm cho các thể chế này trở nên vô dụng.
Nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng, họ sẽ phải dẫn dắt ý chí chính trị trong nước để duy trì một chủ nghĩa quốc tế Roosevelt mới và thực dụng. Họ sẽ cần phải thuyết phục công chúng Mỹ về những bài học lâu dài của Versailles và Trân Châu Cảng rằng lợi ích quốc gia sẽ được nâng cao, không phải là suy yếu, bằng cách lãnh đạo một hệ thống đa phương hiệu quả.
Điều này cần phải được đi kèm với cải cách lớn, thực chất và sự tái đầu tư để tạo ra một hệ thống đa phương hiệu quả hơn. Sự cải cách không đơn giản là việc quay lại với những thực tiễn thất bại của quá khứ với chiến thắng liên tục của quá trình vượt qua hậu quả.
Khi bế tắc xảy ra, vị Tổng thống mới sẽ cần kiểm soát hoàn toàn G20 (như điều đã xảy ra hồi năm 2008 dưới thời Tổng thống George W. Bush) để vượt qua việc xử lý đại dịch, biến đổi khí hậu, cải cách thương mại và quản lý kinh tế vĩ mô toàn cầu. Có thể nói, năm 2020 là “cơ hội cuối cùng” cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Loay hoay đi tìm "đầu tàu" mới
Trung Quốc cũng vậy, bị chia rẽ giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người theo chủ nghĩa toàn cầu. Một số quan chức Trung Quốc đã tìm cách đổ lỗi sự bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán cho quân đội Mỹ. Một số người khác cố gắng duy trì các dòng hợp tác toàn cầu.
Danh tiếng toàn cầu của Trung Quốc đã hứng chịu một cú đánh mạnh. Ý tưởng rằng Trung Quốc có thể bước vào khoảng trống mà ông Trump để lại bằng cách cung cấp toàn diện các hàng hóa công toàn cầu hiện đang cần (như sự lãnh đạo toàn cầu về kinh tế và tài chính, cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tăng cường độc lập của WHO hoặc những hành động mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu) vẫn là không thực tế.
Trung Quốc sẽ tiếp tục khai thác có tính chiến thuật bất kỳ khoảng trống chính trị nào do người Mỹ để lại. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn mâu thuẫn với sách lược chính trị của Bắc Kinh, cũng như nhận thức của Trung Quốc rằng năng lực quốc gia của họ còn hạn chế, khi cho rằng nắm lấy quyền lãnh đạo toàn cầu hoặc thúc đẩy một trật tự đa phương hiệu quả chính là biểu hiện trực tiếp của các lợi ích và giá trị phân cấp quốc gia của Trung Quốc.
Và điều đó dẫn đến những phản ứng tiềm tàng từ phần còn lại của thế giới, cả những nước phát triển và đang phát triển, nhằm chống lại bất kỳ sự khẳng định trực tiếp nào đối với sự lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc.
Vì rằng khi mối quan hệ Mỹ-Trung nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ai trong chúng ta, phần còn lại của thế giới có thể làm gì? Một nhóm cốt lõi các thế lực có tính xây dựng trong G20 nên hành động để cải cách, tài trợ và bảo vệ về mặt chính trị cho các thể chế quản trị toàn cầu quan trọng trong thời kỳ hậu COVID-19. Những thể chế này bao gồm WHO, Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn và WTO.
Nỗ lực này cần được dẫn dắt bởi Đức, Pháp, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada và có thể cả nước Anh (nếu ông Boris Johnson thực sự tin tưởng vào “Nước Anh toàn cầu”).
Một số nước khác có thể tham gia vào nhóm này, chẳng hạn như Singapore, cam kết việc duy trì một trật tự đa phương hiệu quả như là một lợi ích công cộng toàn cầu theo đúng nghĩa của nó, chứ không phải là phương tiện để thực hiện các lợi ích quốc gia hẹp hòi.
Những quốc gia này có thể bắt đầu bằng cách đưa ra một tuyên bố chung rằng họ sẽ cùng nhau lấp đầy khoảng thiếu hụt tài chính do quyết định của ông Trump nhằm cắt giảm những đóng góp tài chính của Mỹ cho WHO.
Những nước này cũng nên quy định rằng khoản tài trợ tùy thuộc vào việc thực hiện chương trình cải cách hậu khủng hoảng nhằm tăng cường các quyền lập quy và vị thế độc lập của WHO.
Tuy nhiên, WHO có thể khiếm khuyết, theo điều ước quốc tế, đây là tổ chức toàn cầu duy nhất được trao quyền trực tiếp xây dựng năng lực y tế công ở các nước nghèo trong trường hợp xảy ra đại dịch. Và đó chính là nơi virus SARS-CoV-2 đang hướng tới tiếp theo.
Để bắt đầu, những thế lực này có thể được gọi là nhóm Đa phương 7 - M7. Họ sẽ trở thành bộ phận chính về chính trị, chính sách và trí tuệ tập thể của nhiệm vụ giải cứu đa, có trách nhiệm tập hợp các nguồn lực ngoại giao và tài chính cần thiết để thúc đẩy một cách không chính thức một chương trình nghị sự nhằm giữ cho các hệ thống đa phương hiện tại hoạt động càng nhiều càng tốt, cho đến khi tình hình địa chính trị toàn cầu đạt được trạng thái cân bằng mới./.