Ai là người thắng-kẻ thua trong đại dịch COVID-19?

Mỹ có thể trở thành kẻ thua cuộc lớn nhất, trong khi đó Trung Quốc là quốc gia duy nhất vừa là người thua cuộc vừa là người thắng cuộc trong đại dịch COVID-19.
Ai là người thắng-kẻ thua trong đại dịch COVID-19? ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Chicago, Mỹ, ngày 11/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) ngày đã đăng bài viết của tác giả Ramesh Thakur, đánh giá về kẻ thắng, người thua trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) trên toàn cầu.

Kẻ thua... 

Mỹ có thể trở thành kẻ thua cuộc lớn nhất. Sự lãnh đạo lúng túng và do dự của Washington đã tồi tệ đến mức có thể tao ra sự xoay trục trong quyền lực địa chính trị.

Trớ trêu ở chỗ Mỹ gần như đã bước theo con đường mà Trung Quốc đã thực hiện về sự bao che và đổ lỗi. Đại dịch có thể làm xói mòn vị thế kinh tế và quyền lực của Mỹ ở vai trò lãnh đạo toàn cầu. Những gì mà Tổng thống Donald Trump thể hiện trong đại dịch là một sự bất tài đến mức liều lĩnh, thiếu hiểu biết và tự phụ.

Tất cả những điều này đã đặt ra câu hỏi nghiêm túc về năng lực của Mỹ - như một quốc gia và như một hệ thống chính trị Mỹ - ứng phó một cách nhanh chóng và rõ ràng trước những thách thức phức tạp ngày càng gia tăng mà nước này và thế giới đang đối mặt.

Các cuộc biểu tình vào ban ngày và bạo loạn vào ban đêm liên tiếp trên quy mô toàn quốc đã tàn phá nhiều thành phố kể từ khi vụ sát hại George Floyd bị một cảnh sát da trắng khống chế. Tất cả đang khiến chính người dân Mỹ đang dần mất niềm tin vào vị tổng thống của mình.

Trung Quốc đã có thể trở thành người chiến thắng trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 khi đã cơ bản khống chế thành công dịch bệnh cho dù quốc gia này là nơi đầu tiên dịch bệnh khởi phát.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc đã che giấu các thông tin về virus và dịch bệnh mới trong những ngày đầu dịch bùng phát tại thành phố Vũ Hán đã liên tục bị thế giới lên án.

Thêm vào đó, việc Trung Quốc không chia sẻ đoạn gene đã giải mã của virus cho thế giới khiến nhiều nước gặp khó khăn trong việc tìm ra cách khống chế dịch bệnh cũng là yếu tố góp phần khiến Bắc Kinh cho đến nay vẫn là tâm điểm của những chỉ trích liên quan đến nguyên nhân bệnh dịch bùng phát ra toàn cầu.

Những sự che giấu của Bắc Kinh khiến nhiều quốc gia và các tập đoàn, công ty đồng loạt lên kế hoạch rút khỏi Trung Quốc, điều này sẽ gây ra sự suy giảm lớn trong đầu tư và du lịch nước ngoài tại nước này.

[Trung Quốc sẵn sàng hợp tác ASEAN phát triển vắcxin phòng COVID-19]

Đại dịch COVID-19 đang khiến Liên minh châu Âu (EU) chia rẽ hơn bao giờ hết. Thay vì cùng nhau chống lại một mối đe dọa chung, hầu hết các quốc gia đã chọn cách tự bảo vệ mình. Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng gặp thêm những khó khăn khi không nhận được sự hỗ trợ từ các thành viên trong khối.

Đại dịch đã cho thấy giới hạn đối với sự đoàn kết của EU trong bối cảnh khối này đang quay cuồng với Brexit. Ngày 16/4 vừa qua, EU đã phải gửi lời xin lỗi đến Italy khi đã không có sự trợ giúp kịp thời trong thời điểm nước này bị tàn phá nặng nề do dịch bệnh.

Liên minh Đại Tây Dương đã ở trong "mớ bòng bong" trước khi virus Corona tấn công. Tổng thống Trump nhiều lần bày tỏ sự phẫn nộ về việc chia sẻ gánh nặng không công bằng đối với các đồng minh.

Đến lượt người châu Âu ngày càng lo lắng về độ tin cậy, thiện chí, lương tri và thiện ý của Washington. Đại dịch đã làm trầm trọng thêm tất cả các vết nứt trong quan hệ giữa Mỹ và EU tồn tại từ trước. G7 không thể đưa ra một tuyên bố chung nào để giúp đỡ thế giới giữa đại dịch chỉ vì chính quyền của ông Trump đã khăng khăng gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Vũ Hán.”

Cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta thậm chí cho rằng mối nguy hiểm lớn nhất đối với EU không phải virus SARS-CoV-2 mà là "virus Trump."

Trong vài tuần, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị chỉ trích dữ dội khi trên danh nghĩa là cơ quan y tế chuyên môn hóa hàng đầu thế giới lại đưa ra nhiều thông tin sai lệch và có phần bao che cho Trung Quốc. Nếu không có một cuộc cải tổ lớn, nhiều khả năng tổ chức này có thể bị tê liệt và không thể hiện được vai trò vốn có.

Một kẻ thua cuộc khác là hệ tư tưởng thị trường tự do và nguyên lý toàn cầu hóa đi kèm. Hơn nữa, không có nhiều nền dân chủ thể hiện được năng lực tuyệt vời trong quản trị và thành phần tự do trong triết lý tổ chức của họ đã bị thiệt hại nặng nề với sự mở rộng rộng rãi quyền lực nhà nước chưa từng có tiền lệ, thậm chí trong thời chiến, được củng cố bởi sự kiểm duyệt của công nghệ lớn, của sự hoài nghi và bất đồng.

Người thắng...

Người thắng lớn nhất trong đại dịch này là mô hình năng lực Đông Á, quản trị tốt và nguồn lực xã hội bất chấp loại chế độ nào.

Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore đã phát huy tốt sức mạnh nội bộ về quản trị y tế chất lượng cao, sự gắn kết xã hội, tin tưởng vào các tổ chức công cộng và nhạy bén để học hỏi, sửa chữa những sai lầm trong quá khứ.

Trung Quốc là quốc gia duy nhất vừa là người thua cuộc vừa là người thắng cuộc trong đại dịch COVID-19.

Ai là người thắng-kẻ thua trong đại dịch COVID-19? ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 17/5/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trớ trêu thay, dịch bệnh khởi phát ở đây và lan rộng như cháy rừng trên khắp thế giới vì sự bưng bít thông tin và đưa thông tin thất thiệt ban đầu của giới chức Trung Quốc, có thể đánh dấu thời điểm lên ngôi trong "cuộc chiến cân bằng tâm lý" khi Trung Quốc chuyển sang lãnh đạo toàn cầu vốn bị bỏ trống bởi nước Mỹ của Trump.

Trung Quốc đã gây ấn tượng, nếu bị trì hoãn, thể hiện sức mạnh và năng lực của nhà nước trong việc kiềm chế sự bùng phát đại dịch và cung cấp sự hỗ trợ cho nhiều nước khác.

Trên trang tweeter, Ian Bremmer viết: "Thật đau lòng khi chứng kiến Trung Quốc gửi hàng cứu trợ nhân đạo cho Mỹ và châu Âu."

Nếu sự thiệt hại kinh tế đối với Mỹ là đáng kể hơn, virus sẽ thúc đẩy sự thay đổi quyền lực, thậm chí tăng nguyên tắc "Nước Mỹ trước tiên" về chính sách an ninh, thương mại và đối ngoại, gia tăng sự không đáng tin của Mỹ đối với đồng minh và đối tác truyền thống.

Do các nước chuẩn bị để chấm dứt sự phụ thuộc thái quá vào Trung Quốc về nguồn cung y tế thiết yếu, thế giới hậu virus Corona sẽ mang đến cơ hội bất ngờ cho Ấn Độ để đóng vai trò lớn hơn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu trong tương lai, mở rộng cơ sở sản xuất và trở thành hãng dược phẩm của thế giới.

Ngày 19/4, Thủ tướng Modi đã cổ vũ Ấn Độ nhân cơ hội này vươn lên và trở thành "trung tâm y học toàn cầu của ... các chuỗi cung ứng đa phương trong thời kỳ hậu COVID-19 cho thế giới"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục