Ai không nên ăn hạt hướng dương để tránh nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe?

Hạt hướng dương thường xuyên có sự xuất hiện của aflatoxin - độc tố được sản sinh từ các loại nấm Aspergillus, đồng thời cũng là một trong những tiềm ẩn gây ung thư gan.
(Nguồn: Getty Images)

Là một trong những loại hạt phổ biến trên thế giới, hạt hướng dương chính là phần nhụy của hoa hướng dương, mọc lên thành quả. Loại hạt này có kết cấu chắc nhưng cũng có độ mềm, hương vị thơm ngon.

Khi ăn với lượng vừa phải, loại hạt này có nhiều tác dụng như giúp giảm cân, làm đẹp da... Tuy nhiên, hạt hướng dương cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong một số trường hợp.

1. Lợi ích của hạt hướng dương

Hạt hướng dương có chứa nhiều loại vitamin như vitamin E, C, B và nhiều khoáng chất như canxi, sắt, phốt pho, kẽm. Vì vậy, nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Ngăn ngừa lão hóa: Hạt hướng dương rất dồi dào vitamin E. Chỉ cần 1/4 cốc có thể cung cấp cho cơ thể 80% lượng vitamin E mà cơ thể cần hàng ngày. Vì vitamin E giàu chất chống ôxy hóa nên chúng ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn xuất hiện trên da.

Giảm cân: Hạt hướng dương rất giàu protein và chất xơ. Chúng khiến bạn cảm thấy no lâu, giảm lượng thức ăn nạp vào và cuối cùng là giảm lượng calo tiêu thụ.

(Nguồn: Getty Images)

Phòng tránh bệnh tuyến giáp: Sự tiết hormone trong cơ thể được điều hòa bởi tuyến giáp. Tiêu thụ hạt hướng dương giúp tuyến giáp hoạt động ở mức tối ưu, phòng tránh bệnh tuyến giáp.

Phòng chống ung thư: Hạt hướng dương là một trong số ít nguồn cung cấp selen, một loại khoáng chất vi lượng có tác dụng ngăn ngừa sự xuất hiện và lây lan của bệnh ung thư.

Trị lo âu, trầm cảm và mất ngủ: Hạt hướng dương rất giàu magiê giúp cải thiện tâm trạng. Ngoài ra, hợp chất serotonin có trong loại hạt này có tác dụng thư giãn rất tốt.

(Nguồn: Getty Images)

Tốt cho tim mạch: Hạt hướng dương rất giàu axít oleic và linoleic, ít chất béo bão hòa và natri; chứa magie, kali. Những chất này giảm huyết áp và mức cholesterol trong huyết thanh. Ăn hạt hướng dương cũng giảm sự xuất hiện của chứng rối loạn nhịp tim.

Giảm cholesterol: Các axít béo không bão hòa có trong hạt hướng dương góp phần cải thiện cholesterol tốt trong cơ thể, đồng thời giảm cholesterol xấu. Ngoài ra, loại hạt này chứa hợp chất phytosterol điều chỉnh mức cholesterol xấu, giảm sự lắng đọng mảng bám trong mạch máu và động mạch.

2. Những ai không nên ăn hạt hướng dương?

Mặc dù mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng và lợi ích cho sức khỏe nhưng loại hạt này cũng tiềm ẩn khá nhiều tác hại trong một số trường hợp. Vậy những ai không nên ăn hạt hướng dương?

Người mắc bệnh tim mạch, huyết áp

Trong hạt hướng dương có chứa chất selen. Nếu bạn ăn hạt hướng dương liên tục trong suốt một thời gian dài sẽ khiến cơ thể nạp quá mức selen và làm tăng nồng độ natri ở trong máu. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng huyết áp, thậm chí nguy hiểm hơn là mắc bệnh tim mạch.

(Nguồn: Getty Images)

Người mắc bệnh tiểu đường

Việc hấp thụ quá nhiều chất selen có trong hạt hướng dương sẽ khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, khá nhiều loại hạt hướng dương trên thị trường hiện nay được tẩm ướp, nếu ăn phải sẽ khiến cơ thể bạn hấp thụ một lượng đường lớn, làm phát tác và căn bệnh tiểu đường trở nên trầm trọng hơn.

Người bị béo phì

Hạt hướng dương có nhiều giá trị dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe của con người. Thế nhưng, trong khoảng 100 gram loại hạt này lại có chứa 52g hàm lượng chất béo cùng hơn 600 calo. Nếu nạp hàm lượng lớn thường xuyên sẽ khiến cho cơ thể của bạn bị dư thừa chất béo và gây béo phì trong thời gian ngắn.

Người bị dị ứng

Thông thường, hạt hướng dương sẽ góp phần loại bỏ giun ra khỏi cơ thể con người. Tuy nhiên trong một số trường hợp, những hợp chất đó phản ứng ngược lại, gây dị ứng, mặc dù rất hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra.

Khi ăn hạt hướng dương bị dị ứng sẽ có một số biểu hiện như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, xuất hiện những phản ứng trên da như ngứa, đỏ, nổi mề đay hoặc rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói… Lúc này, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để có phương pháp chữa trị kịp thời.

Người mắc bệnh về thận

Cùng với người bị bệnh dạ dày, người mắc bệnh liên quan đến thận cũng không nên ăn hạt hướng dương. Bởi trong loại hạt này chứa một số vi chất có khả năng làm rối loạn hoạt động của thận như cadmium.

Nếu ăn liên tục hướng dương trong một thời gian dài, các chất dinh dưỡng trong hạt sẽ bị phá hủy, chuyển hóa, tích lũy thành chất độc hại.

(Nguồn: Getty Images)

Người mắc bệnh dạ dày

Trong thành phần dinh dưỡng của hạt hướng dương, hầu như không có chất xơ. Vì thế, ăn nhiều sẽ gây ra hiện tượng tăng nhiệt và nóng trong người. Từ đó, sẽ khiến dạ dày sản sinh ra nhiều axít hơn, làm tăng thêm gánh nặng cho dạ dày.

Vì vậy, những người có hệ tiêu hóa kém không nên ăn hạt hướng dương, dễ làm tổn thương tỳ vị, dẫn đến xuất huyết dạ dày.

Người hay gặp vấn đề về cổ họng, ho khan

Khi ăn, hạt hướng dương sẽ vỡ ra thành các hạt nhỏ. Ăn quá nhiều, chúng sẽ bám vào thành cổ họng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dây thanh âm cổ, gây khàn giọng, mất tiếng. Vì thế, những người thường xuyên gặp vấn đề về cổ họng, hay bị ho khan nên hạn chế ăn hạt hướng dương.

Người có vấn đề về gan

Những người mắc bệnh gan không nên ăn hạt hướng dương bởi trong hạt hướng dương thường xuyên có sự xuất hiện của aflatoxin - độc tố được sản sinh từ các loại nấm aspergillus, đồng thời cũng là một trong những tiềm ẩn gây ung thư gan.

Ăn hạt hướng dương sao cho đúng?

- Không nên ăn quá 30g hạt hướng dương mỗi ngày.

- Không nên ăn hạt đã hết hạn sử dụng.

- Bảo quản hạt hướng dương ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp để phòng tránh nấm mốc phát triển, sinh ra chất độc có hại và gây nguy hiểm cho sức khỏe./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục