Những tính toán sai lầm và tình trạng thiếu tin tưởng, thiếu hiểu biết lẫn nhau có thể kéo theo "cuộc chạy đua vũ trang về trí tuệ nhân tạo (AI)."
Và khi đó, AI có thể gây ra mối đe dọa to lớn đối với hòa bình và an ninh quốc tế, khi các quốc gia cố gắng phát triển các hệ thống AI tiên tiến hơn mà không có đủ cơ chế giám sát và kiểm soát.
Đây là những cảnh báo được đưa ra tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 19/12, đánh giá những cơ hội và thách thức của công nghệ này đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.
Tại phiên họp, nhiều chuyên gia nhấn mạnh bằng tiềm năng và sức mạnh của mình, AI có thể trở thành một nhân tố quan trọng trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình. Liên hợp quốc đã sử dụng AI để phân tích dữ liệu về xung đột và đề xuất các giải pháp hòa bình.
AI có thể phân tích hàng triệu dữ liệu từ các cuộc xung đột trước đây, từ đó đưa ra những khuyến nghị có căn cứ về cách thức giải quyết xung đột một cách hòa bình. AI cũng có thể giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của xung đột, từ đó đưa ra cảnh báo sớm và ngăn chặn những cuộc chiến tranh trước khi chúng xảy ra.
Với khả năng phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, các công cụ AI giúp xác định tình trạng mất an ninh lương thực, dự báo thiên tai sớm và chính xác hơn..., từ đó phát triển các hệ thống cảnh báo thiên tai và quản lý rủi ro để các cộng đồng chủ động ứng phó trước các hiện tượng cực đoan, cũng như biến đổi khí hậu gây ra.
AI còn được sử dụng để quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tối ưu hóa việc phân phối nước, đất đai và năng lượng, từ đó giảm thiểu nguy cơ mâu thuẫn giữa các quốc gia hoặc các nhóm dân cư, tránh khả năng xảy ra chiến tranh vì tranh giành tài nguyên. Điều này có thể góp phần tạo ra một thế giới ổn định và an ninh hơn.
Tuy nhiên, AI cũng là “con dao hai lưỡi” trong lĩnh vực này. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại rằng những cuộc xung đột gần đây đang trở thành “mảnh đất” thử nghiệm những ứng dụng AI vào quân sự, chẳng hạn như ứng dụng vào giám sát tự động, lập phương hướng dự đoán, thậm chí để AI đưa ra các quyết định sống chết mà không cần đến sự giám sát của con người, như việc ứng dụng hệ thống vũ khí tự động, trong đó có các thiết bị bay không người lái (UAV).
Đáng báo động là nguy cơ tích hợp AI vào vũ khí hạt nhân và sự ra đời của các hệ thống AI lượng tử có thể đe dọa an ninh toàn cầu. Các sản phẩm do deep-fake, cũng như thông tin sai lệch do AI tạo ra tiềm ẩn nguy cơ kích động bất ổn, gây khủng hoảng ngoại giao và xói mòn niềm tin của xã hội.
Nếu phát triển một cách thiếu kiểm soát, AI có thể làm làm trầm trọng thêm căng thẳng địa chính trị và làm suy yếu các tiến trình dân chủ. Về an ninh mạng, các tin tặc có thể lợi dụng AI để xác định những lỗ hổng bảo mật thông tin, thực hiện các vụ tấn công mạng, làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng và các dịch vụ thiết yếu của một quốc gia, gây thiệt hại lớn và khó truy vết.
Trước những nguy cơ như vậy, Liên hợp quốc kêu gọi các nước thành viên nhanh chóng thiết lập “hàng rào bảo vệ quốc tế” nhằm đảm bảo một tương lai AI an toàn, bảo mật và toàn diện cho tất cả mọi người.
Tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an, nhiều quan chức đã hối thúc sự hợp tác giữa các nước, cũng như hợp tác giữa chính phủ với khu vực tư nhân, để thống nhất các quy định về AI, từ đó tận dụng lợi ích trong khi hạn chế rủi ro do AI gây ra.
Phiên họp kết thúc với cam kết thiết lập các cơ chế quản lý toàn cầu cho AI, bao gồm việc thành lập một hội đồng khoa học quốc tế và mở rộng đối thoại về quản trị AI.
Trong những năm qua, Liên hợp quốc và các nước thành viên đã thúc đẩy những nỗ lực hướng tới mục tiêu chung này. Nhằm thiết lập một khung quản trị toàn cầu đối với AI, các nước đã thông qua Hiệp ước Kỹ thuật số toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh tương lai vào tháng 9 năm nay.
Hai nghị quyết quan trọng khác về tăng cường hợp tác toàn cầu và xây dựng năng lực về AI cũng được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nghị quyết thứ ba của Liên hợp quốc tập trung vào ứng dụng AI trong lĩnh vực quân sự, dự kiến sẽ được xem xét trong những ngày tới.
Liên quan tới lĩnh vực an ninh và hòa bình, tháng 9/2024, Hội nghị thượng đỉnh về sử dụng AI có trách nhiệm trong lĩnh vực quân sự (REAIM 2024) được Hàn Quốc và Hà Lan đồng tổ chức tại Seoul đã thông qua Kế hoạch hành động đưa ra các nguyên tắc then chốt và có thể đóng vai trò là bước đệm có giá trị để cộng đồng quốc tế tiến tới sử dụng AI có trách nhiệm cho quân sự.
Như khẳng định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tại phiên họp Hội đồng Bảo an, số phận của nhân loại không bao giờ được phó mặc cho “hộp đen” của một thuật toán và mỗi một khoảnh khắc trì hoãn thiết lập hàng rào bảo vệ toàn cầu sẽ làm gia tăng rủi ro đối với con người.
Việc xây dựng một chuẩn mực quốc tế để quản lý sự phát triển và sử dụng AI là cần thiết hơn bao giờ hết nhằm ngăn những nguy cơ tiềm ẩn và đảm bảo AI sẽ được sử dụng vì mục tiêu hòa bình và thịnh vượng cho tất cả.
Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng bàn tay con người đã tạo ra AI, thì chính bàn tay con người phải dẫn dắt AI tiến về phía trước. Khi ở trong tay những kẻ gieo rắc chiến tranh, AI có thể là vũ khí giết người, còn khi trong tay những nhà kiến tạo hòa bình, AI có thể trở thành cầu nối đến hòa bình và thịnh vượng.
Bởi vậy, chính con người phải đảm bảo rằng AI được phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm, có đạo đức và luôn đặt lợi ích của nhân loại lên trên hết./.
EU trước "ngã ba đường" trong cuộc cách mạng AI
Quy định Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) năm 2018 giúp EU tăng cường quản lý về trí tuệ nhân tạo (AI), song đã tạo ra không ít thách thức cho các công ty khởi nghiệp và công nghệ.