Ai Cập và Qatar nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao

Hai bên đã trao đổi công hàm chính thức về vấn đề khôi phục quan hệ ngoại giao và động thái này được thực thi trong khuôn khổ thỏa thuận đã ký tại Al-Ula (Saudi Arabia) mới đây.
Hành khách chuẩn bị đáp chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Qatar Airways từ sân bay quốc tế Hamad gần thủ đô Doha, Qatar tới Cairo, Ai Cập ngày 18/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/1, Bộ Ngoại giao Ai Cập ra thông cáo nước này nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao với Qatar sau ba năm xảy ra căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh khiến một loạt nước cắt đứt quan hệ ngoại giao và cô lập Doha. 

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ: “Cộng hòa Arab Ai Cập và Nhà nước Qatar đã nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao." Hai bên đã trao đổi công hàm chính thức về vấn đề này. Động thái trên được thực thi trong khuôn khổ thỏa thuận đã ký tại Al-Ula (Saudi Arabia) mới đây.

Trước khi hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao, Ai Cập đã có một loạt bước đi tích cực như chính thức mở cửa trở lại không phận của nước này cho các máy bay của Qatar vào sáng 12/1, chấm dứt lệnh cấm vận hàng không kéo dài ba năm rưỡi đối với Qatar.

[Ai Cập chính thức mở lại không phận cho Qatar sau 3 năm rưỡi]

Tiếp đó, ngày 18/1, sân bay quốc tế Cairo của Ai Cập cũng đã chính thức tiếp nhận chuyến bay đầu tiên từ Doha sau khi quốc gia Bắc Phi này chấm dứt lệnh cấm vận hàng không đối với Qatar.

Biên giới trên bộ duy nhất của Qatar hầu như đã bị đóng cửa kể từ giữa năm 2017, khi Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain tiến hành phong tỏa nhằm chống lại quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này với cáo buộc nước này ủng hộ các nhóm Hồi giáo trong khu vực và có quan hệ “nồng ấm” với Iran. Qatar luôn phủ nhận cáo buộc này.

Tại hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra ở Al-Ula (Saudi Arabia), Ai Cập đã ký thỏa thuận về hòa giải giữa các nước Arab với Qatar. Thỏa thuận đã chấm dứt biện pháp tẩy chay ngoại giao và hạn chế đi lại giữa nhóm bốn nước Arab gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain với Qatar./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục