Ai Cập và Nga thảo luận khả năng nối lại đường bay thẳng

Nội dung thảo luận giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong khuôn khổ chuyến thăm Cairo sẽ tập trung vào việc nối lại các chuyến bay từ Nga tới Ai Cập.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi trong một cuộc họp báo ở Athens ngày 8/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nội dung thảo luận giữa Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong khuôn khổ chuyến thăm Cairo sẽ tập trung vào việc nối lại các chuyến bay từ Nga tới Ai Cập và dự án xây dựng nhà máy hạt nhân Dabaa của Ai Cập.

Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn lời Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia Today hôm 10/12 cho hay, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận về quan hệ song phương, tình hình tại Libya, những diễn biến mới trong tiến trình hòa bình Palestine-Israel cũng như những vấn đề cùng quan tâm khác.

Đây là chuyến thăm thứ hai của Tổng thống Nga Putin tới Ai Cập trong gần 3 năm qua.

[Hợp tác quân sự giữa Ai Cập và Nga đang ngày càng phát triển]

Theo Ngoại trưởng Ai Cập, hiện vẫn chưa có thời hạn cụ thể cho việc nối lại đường bay giữa Nga và Ai Cập, song Bộ Giao thông Vận tải hai nước vẫn duy trì tiếp xúc nhằm tăng cường biện pháp an ninh tại các sân bay Ai Cập.

Trước đó, Nga đã dừng đường bay tới Ai Cập từ tháng 11/2015 sau vụ tai nạn máy bay chở khách của hãng hàng không Nga tại Bán đảo Sinai ngay sau khi cất cánh từ thành phố Sharm El-Sheikh, khiến 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Đến nay Ai Cập đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp an ninh tại các sân bay nhằm đáp ứng yêu cầu về an ninh của Nga, hướng tới mục tiêu đưa du khách Nga trở lại quốc gia Bắc Phi.

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về nhà máy điện hạt nhân Dabaa. Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 11/2015, Nga đồng ý cấp vốn và hỗ trợ công tác vận hành cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên này của Ai Cập.

Ngoại trưởng Ai Cập nhấn mạnh hai bên đã hợp tác tích cực và hiệu quả trên nhiều khía cạnh khác nhau bao gồm kỹ thuật, pháp lý và tài chính trong dự án trọng điểm này của Ai Cập.

Liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông, Ngoại trưởng Shoukry tái khẳng định lập trường của Ai Cập bác bỏ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ tới đây, mô tả động thái này là "leo thang nguy hiểm".

Về tình hình Yemen, ông cho rằng Ai Cập không có kế hoạch triển khai quân đội tới đây, khẳng định tình trạng giao tranh vũ trang phải chấm dứt và các bên phải giải quyết bất đồng thông qua đối thoại đồng thời cảnh báo tình hình hiện nay tại Yemen là "đáng lo ngại".

Ngoại trưởng Ai Cập cũng kêu gọi một giải pháp chính trị dựa trên nỗ lực của Liên hợp quốc và sáng kiến hòa bình vùng Vịnh nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người Yemen đang phải hứng chịu.

Liên quan đến cuộc xung đột ở Syria, ông Shoukry nhấn mạnh một thỏa thuận chính trị là cách duy nhất để chấm dứt khủng hoảng hiện nay, đồng thời cho rằng việc tạo ra các khu vực giảm leo thang là một công cụ quan trọng để khuyến khích một giải pháp chính trị.

Về căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh, ông Shoukry cho biết cuộc khủng hoảng với Qatar vẫn tiếp diễn do Doha đến nay vẫn chưa đáp ứng bằng những hành động cụ thể đối với bản yêu cầu 13 điểm của các nước Arab hay 6 "nguyên tắc" bổ sung nhằm đặt ra các điều kiện cho các cuộc đàm phán trong tương lai về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục