Ngày 10/1, nội các Ai Cập cho biết Thủ tướng nước này Mostafa Madbouly đã có cuộc làm việc theo hình thức trực tuyến với các quan chức của công ty vận tải biển Maersk (Đan Mạch) để thảo luận về những diễn biến ở Biển Đỏ, cũng như các cách thức tăng cường hợp tác giữa hai bên.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Thủ tướng Madbouly đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đỏ đối với an ninh quốc gia của Ai Cập vì Biển Đỏ nối liền với kênh đào Suez, nơi khoảng 30% lượng hàng hóa tàu container toàn cầu được vận chuyển qua mỗi năm.
Cuộc làm việc giữa Thủ tướng Ai Cập và các quan chức của Maersk đã đề cập đến những nguy cơ từ hành động tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu thương mại di chuyển qua Biển Đỏ đối với an ninh hàng hải, cũng như nguyện vọng của Maersk nối lại hành trình qua tuyến đường biển này.
Maersk sẽ chuyển hướng tất cả các tàu container khỏi Biển Đỏ để đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi trong thời gian tới do tình hình bất ổn ở Biển Đỏ. Maersk cũng đã cảnh báo các khách hàng về tình trạng gián đoạn kéo dài ở tuyến đường biển này.
Lực lượng Houthi ở Yemen đã tăng cường tấn công các tàu thương mại di chuyển qua Biển Đỏ kể từ tháng 11/2023 để thể hiện sự ủng hộ đối Phong trào Hồi giáo Hamas đang xung đột với Israel ở Gaza.
Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi Israel dừng xung đột ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo sẽ tấn công các tàu chiến Mỹ nếu Houthi trở thành mục tiêu tấn công.
Không chỉ Maersk, nhiều hãng vận tải biển lớn khác như MSC, CMA CGM và Hapag-Lloyd có trụ sở tại châu Âu, Cosco Shipping, HMM và Evergreen Line có trụ sở tại châu Á, cùng các nhà khai thác tàu chở dầu và khí đốt, cũng đã buộc phải ngừng hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ và chuyển hướng tàu.
Sri Lanka bắt tay Mỹ tham gia lực lượng đặc nhiệm chống Houthi trên biển Đỏ
Hải quân Sri Lanka tuyên bố sẽ tham gia "Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng" do Hải quân Mỹ dẫn đầu,” với mục đích bảo vệ hoạt động vận tải hàng hải quốc tế trước sự tấn công của phong trào Houthi.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khối lượng hàng hóa vận chuyển qua kênh đào Suez trong tuần đầu tiên của năm 2024 đã giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới phân tích cho rằng tác động tài chính dù hiện tại còn ở mức hạn chế nhưng sẽ trở nên nghiêm trọng nếu các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tiếp tục cản trở hoạt động giao thông của tuyến hàng hải huyết mạch nối châu Âu và châu Á này.
Tuyến đường này đi vào hoạt động từ năm 1869 và được cho là rất quan trọng đối với Ai Cập khi giúp quốc gia Bắc Phi thu về 9,4 tỷ USD phí vận chuyển trong năm tài chính 2022-2023.
Ai Cập đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế khiến đồng nội tệ mất 50% giá trị kể từ tháng 3/2022 trong khi lạm phát lên tới 35%.
Trong bối cảnh đó, quốc gia đông dân nhất thế giới Arab phụ thuộc lớn vào thu nhập từ kênh đào Suez để chi tiêu quân sự và phúc lợi xã hội. Hiện hơn 60% dân số Ai Cập đang sống trong hoặc dưới mức nghèo./.