Ai Cập tụt 10 bậc trong bảng xếp hạng về du lịch

Sự bất ổn và thiếu an ninh là 2 nguyên nhân chính làm cho ngành du lịch Ai Cập mất 10 bậc trong bảng xếp hạng mới nhất của WEF.
Sự bất ổn và thiếu an ninh là hai nguyên nhân chính làm cho ngành du lịch Ai Cập mất 10 bậc trong bảng xếp hạng mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về tính cạnh tranh du lịch và du lịch trên thế giới.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2013, dựa trên khả năng cạnh tranh du lịch và du lịch, cho biết Ai Cập đứng ở vị trí thứ 85, giảm 10 bậc so với báo cáo trước đó của WEF trong năm 2011.

"Bất ổn chính trị và kém hiệu quả của hành động của chính phủ là những nguyên nhân chính của hiệu suất kém trong lĩnh vực này," báo cáo của WEF khẳng định rằng hai yếu tố này dẫn đến tỷ lệ tội phạm cao, ảnh hưởng ngay lập tức đến ngành du lịch. Đây là lần đầu tiên, du lịch Ai Cập bị tụt hạng trong báo cáo của WEF được công bố hai năm một lần, bất chấp những lợi thế sẵn có và tiềm năng tuyệt vời của nước này.

Theo ông Ali Ghoneim, một thành viên của Hiệp hội các văn phòng Du lịch Ai Cập: "Đó là điều được báo trước. Với các cuộc đụng độ và hỗn loạn hoành hành trên các đường phố, thế giới tin rằng chúng ta đang trên bờ vực của một cuộc nội chiến."

Ông Ghoneim cho rằng sự bất ổn và thiếu an ninh đã dẫn đến sự giảm sút của ngành du lịch Ai Cập khi nước này xếp ở vị trí thứ 140 trên thế giới, vị trí cuối bảng, về mặt an toàn du lịch. Trong con mắt của mhiều người, Ai Cập được mô tả như một quốc gia con mồi của một cuộc khủng hoảng chính trị trong hơn hai năm qua.

Đối với chuyên gia về du lịch Amir Fahim, sự giảm sút của Ai Cập trong báo cáo của WEF không phải là đòn đầu tiên giáng vào ngành du lịch nước này kể từ khi cuộc nổi dậy ngày 25/1 vừa qua.

Ông Fahim than phiền: "Bất ổn làm khách du lịch sợ hãi và không khuyến khích họ đến thăm Ai Cập đặc biệt là giai đoạn chuyển tiếp trong năm thứ ba và có lẽ sẽ tiếp tục trong một thời gian" và nhấn mạnh rằng bầu không khí không ổn định đã khiến một số nước đã cảnh báo công dân của họ về những rủi ro khi du lịch tại Ai Cập. Một số quốc gia, đặc biệt là ở Trung Âu, cho đến nay vẫn còn duy trì cảnh báo này.

Chuyên gia này cảnh báo: "Đây là một bước cuối cùng trước khi bị loại khỏi bản đồ du lịch thế giới và số phận tương tự như Tunisia và Libya đã bị gạt ra ngoài bảng xếp hạng."

Ngoài vấn đề an ninh, một số các tiêu chuẩn khác được đưa vào xem xét trong việc soạn thảo báo cáo của GEF, bao gồm cơ sở hạ tầng liên quan đến lữ hành và du lịch, lượng khách du lịch, sự cởi mở đối với du khách nước ngoài và sự tham gia của các công ty du lịch địa phương. Ngoài ra còn những tiêu chí khác như chính sách quản lý nhập cảnh (thị thực), giá cả cạnh tranh, sức mua và tỷ giá hối đoái...

Trong khi đó, bà Adla Ragab, cố vấn kinh tế của Bộ Du lịch, cho rằng các tiêu chí phân loại trong báo cáo năng lực cạnh tranh của GEF không công bằng và phạt một số nước.

Adla Ragab nói: "Trên thực tế, khả năng cạnh tranh của các cơ sở hạ tầng du lịch được tính toán liên quan đến số lượng dân cư. Ví dụ, công suất khách sạn được tính như số lượng phòng khách sạn chia cho 1.000 dân. Tương tự đối với các sân bay và cơ sở hạ tầng. Đó là lý do tại sao những nước xếp đầu bảng là những nước có dân số ít."

Adla Ragab cho biết một ủy ban GEF đang làm việc để xây dựng các tiêu chí công bằng hơn./.

Hoàng Chiến/Cairo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục