Ai Cập: Trưng cầu dân ý diễn ra trong không khí căng thẳng

53.377.000 cử tri được kêu gọi đi bỏ phiếu tại 14.000 địa điểm trên toàn Ai Cập trong cuộc trưng cầu dân ý về Dự thảo Hiến pháp mới, diễn ra vào 14-15/1/2014.
Người biểu tình Ai Cập tại thủ đô Cairo ngày 16/12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ai Cập dự kiến tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về Dự thảo Hiến pháp mới, trong hai ngày 14-15/1/2014.

Trước sự tẩy chay của Anh em Hồi giáo, cuộc bỏ phiếu dường như là một thử thách về tính hợp pháp của cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi vào ngày 30/6 vừa qua.

53.377.000 cử tri được kêu gọi đi bỏ phiếu tại 14.000 địa điểm trên toàn quốc. Việc bỏ phiếu sẽ được đặt dưới sự giám sát tư pháp.

Tuần báo Al Ahram dẫn tuyên bố của Quyền Tổng thống Adly Mansour khẳng định: "Ai Cập đang tiến theo con đường đúng đắn để thực hiện lộ trình được hàng triệu người Ai Cập tán thành sau cuộc cách mạng ngày 30/6."

Theo ông, Hiến pháp mới đã có tiến bộ về tự do, nhân quyền và cân bằng quyền lực. Đây là điểm khởi đầu để xây dựng các thể chế của một nhà nước dân chủ hiện đại.

Trưng cầu dân ý diễn ra trong một không khí căng thẳng. Hầu hết các lực lượng chính trị đều nhận thấy đây sẽ là một bước quyết định trong quá trình chuyển tiếp hậu Morsi.

Tiếp theo sẽ là các cuộc cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Anh em Hồi giáo và các đồng minh đã thông báo sẽ tẩy chay cuộc thăm dò.

Trong khi đó, nhiều đảng cánh tả, Tự do và đảng Hồi giáo Salafists đã quyết định bỏ phiếu tán thành Hiến pháp mới.

Cuộc trưng cầu dân ý lần này giống như một phép thử cho tính hợp pháp của cuộc cách mạng ngày 30/6.

Nhà chính trị học Hassan Nafea tin rằng: "Sự tham gia đông đảo của người dân Ai Cập trong cuộc trưng cầu sẽ bảo đảm tính hợp pháp cho cuộc cách mạng ngày 30/6."

Phe nói "có" sẽ không để cho những kẻ thù của ngày 30/6 có cơ hội làm hỏng quá trình chuyển đổi. Chính trong bối cảnh này, phong trào Tamarrod đã phát động một chiến dịch tuyên truyền với tên gọi "Nói có với biểu quyết về Hiến pháp" nhằm khuyến khích mọi người tham gia vào trưng cầu dân ý.

Trên trang Facebook của mình, Tamarrod thừa nhận: "Dự thảo Hiến pháp chưa phải là hoàn hảo, nhưng nó đáp ứng hầu hết các nhu cầu của người dân về công bằng xã hội, nhân quyền và các quyền tự do."

Trước những âm mưu phá hoại của Anh em Hồi giáo, một số đảng đã quyết định tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tham gia trưng cầu dân ý.

Phát ngôn viên của Ủy ban soạn thảo hiến pháp 50 người, Mohamed Salmawy cảnh báo về các bản sao giả Hiến pháp mà Anh em Hồi giáo định cho lưu hành hòng gây ảnh hưởng xấu tới cuộc bỏ phiếu.

Trong khi đó, chính phủ lâm thời Ai Cập dự định tăng cường các biện pháp an ninh để đối phó với mọi âm mưu phá hoại.

Tướng Abdel Fattah al- Sisi, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Phó Thủ tướng, cho biết các lực lượng quân đội sẽ phối hợp với cảnh sát để bảo đảm an toàn cho cuộc trưng cầu dân ý. Ông cam kết đối phó với "bất kỳ nỗ lực nào nhằm gieo rắc sự hỗn loạn và bạo lực trong cuộc bầu cử."

Trong khi đó, Bộ Nội vụ thông báo việc triển khai 150.000 sỹ quan và binh sỹ, cũng như các đơn vị lực lượng đặc biệt để bảo đảm an ninh cho các điểm bỏ phiếu. Nhiều vị trí được thiết lập để đối phó với các hành vi bạo lực có thể của những người ủng hộ ông Morsi.

Thủ tướng Chính phủ Hazem Al-Beblawy tuyên bố: "Mục tiêu của Anh em Hồi giáo nhằm làm chệch hướng lộ trình và để đạt được điều này họ sẽ sử dụng tất cả các vũ khí bất hợp pháp, kể cả bạo lực, tiền bạc và những tin đồn. Nhà nước nhận thức được âm mưu của họ và sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đối phó với những âm nưu này."

Tuy nhiên, nhà chính trị học Nafea cho rằng nếu không có sự tham gia đông đảo của người dân, các biện pháp an ninh được tăng cường sẽ không đủ để đảm bảo sự thành công của cuộc trưng cầu dân ý.

Ông nói: "Không chỉ đơn giản là một cuộc bỏ phiếu về hiến pháp, mà là một tiến trình chính trị. Đông đảo quần chúng tham gia trưng cầu dân ý và một kết quả tích cực sẽ biện minh cho tính hợp pháp của cuộc cách mạng 30/6 đã loại bỏ ông Morsi."

Ủy ban Bầu cử tối cao hiện đang xem xét 27.000 đề nghị được giám sát cuộc trưng cầu của 69 tổ chức NGO trong nước, và đã cấp phép cho sáu tổ chức NGO quốc tế để theo dõi diễn biến của cuộc bỏ phiếu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục