Ai Cập triển khai 160.000 binh sỹ bảo vệ an ninh bầu cử quốc hội

Ai Cập sẽ triển khai tổng cộng 160.000 binh sỹ quân đội để bảo vệ an ninh cho những điểm bỏ phiếu trong giai đoạn hai của cuộc bầu cử quốc hội diễn ra tại 13 tỉnh trong các ngày 22 và 23/11.
(Nguồn: Reuters)

Ai Cập sẽ triển khai tổng cộng 160.000 binh sỹ quân đội để bảo vệ an ninh cho những điểm bỏ phiếu trong giai đoạn hai của cuộc bầu cử quốc hội diễn ra tại 13 tỉnh trong các ngày 22 và 23/11.

Hãng tin nhà nước MENA của Ai Cập cho biết quân đội sẽ hỗ trợ cảnh sát trong việc đảm bảo an ninh tại các điểm bầu cử ở 13/27 tỉnh của nước này trong hai ngày bỏ phiếu từ 9 giờ đến 21 giờ theo giờ địa phương.

Trong giai đoạn đầu của cuộc bầu cử quốc hội diễn ra tại 14 tỉnh, Ai Cập đã huy động 185.000 binh sỹ quân đội cùng với 120.000 nhân viên cảnh sát và lực lượng an ninh để bảo vệ cuộc bầu cử.

Ngày 20/11, công dân Ai Cập đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu quốc hội tại các Đại sứ quán, lãnh sự quán Ai Cập ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Tổng cộng có 282 ghế được phân bổ cho giai đoạn hai của cuộc bầu cử quốc hội, với 222 ghế dành cho các ứng cử viên độc lập và 60 ghế dành cho các đảng phái hoặc liên minh chính trị.

Các kết quả của giai đoạn hai sẽ được công bố vào ngày 24/11. Vòng bỏ phiếu bổ sung của giai đoạn hai sẽ bắt đầu ở nước ngoài từ ngày 30/11-1/12, còn các cử tri ở trong nước sẽ bỏ phiếu vào các ngày 1 và 2/12 tới.

Theo Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập, tại các cuộc bỏ phiếu giai đoạn một diễn ra hồi tháng trước, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 25% do thiếu vắng nhiều đảng phái đối lập. Cử tri Ai Cập, nhất là thanh niên, cũng không hào hứng và ít quan tâm tới cuộc bầu cử.

Kết quả, liên minh Vì Tình yêu Ai Cập (FLE) ủng hộ đương kim Tổng thống Abdel Fatah Al-Sisi đã chiến thắng vang dội khi giành trọn 60 ghế, trong khi đảng Nour - đảng Hồi giáo duy nhất tham gia chạy đua vào quốc hội - thất bại hoàn toàn khi không giành được ghế nào.

Trong cuộc bầu cử giai đoạn hai, đa số trong hơn 5.000 ứng cử viên tham gia đều ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Al-Sisi và lực lượng này được dự đoán sẽ chiếm đa số ghế trong quốc hội sắp tới.

Bầu cử quốc hội là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi hồi năm 2013. Cuộc bầu cử quốc hội Ai Cập ban đầu được ấn định vào ngày 21/3/2015 nhưng đã bị hoãn lại sau khi Tòa án Hiến pháp nước này phán quyết các đạo luật bầu cử không phù hợp với Hiến pháp, đồng thời ra lệnh ngừng cuộc bầu cử cũng như mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục