Ai Cập tìm cách giảm thâm hụt tài chính bằng cách bán tài sản nhà nước

Mới đây, Công ty đầu tư Saudi Arabia Ai Cập đã được thành lập, thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư Công của Saudi Arabia, nhằm mua lại cổ phần của 4 công ty nhà nước Ai Cập có trị giá lên tới 1,3 tỷ USD.
Một góc thủ đô Cairo của Ai Cập. (Nguồn: AFP)

Truyền thông Ai Cập ngày 15/1 đưa tin quốc gia Bắc Phi này đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách tài chính cho đến năm tài chính 2025-2026, bằng cách bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước cho các quốc gia mà chủ yếu là thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Theo báo cáo mới công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ai Cập đã lên kế hoạch tiếp nhận các khoản vay trị giá 2,6 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới cho đến năm 2025-2026, 400 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á, 300 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Phi, 600 triệu USD từ Quỹ Tiền tệ Arập cho đến năm 2023-2024, 1 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và 8,6 tỷ USD từ việc bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước cho các đối tác nước ngoài. IMF ước tính Ai Cập sẽ bị thâm hụt tài chính 17 tỷ USD trong 4 năm tới.

Vào tháng trước, Ban điều hành của IMF đã thông qua khoản vay trị giá 3 tỷ USD cho Ai Cập trong thời hạn 46 tháng theo Cơ chế Quỹ mở rộng và tiến hành giải ngân đợt đầu tiên 347 triệu USD.

Chương trình cải cách này do IMF hỗ trợ dự kiến sẽ huy động thêm 14 tỷ USD từ các đối tác quốc tế và khu vực của Ai Cập, bao gồm cả các nước GCC.

Thông qua chương trình cho vay, Ai Cập đang tìm cách giải quyết sự mất cân bằng vĩ mô trong nền kinh tế do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra.

Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar, gần đây đã cam kết tăng cường đầu tư vào Ai Cập với mục đích hỗ trợ nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi trước những tác động mạnh mẽ của cuộc xung đột tại Ukraine làm trầm trọng thêm tác động của đại dịch COVID-19.

[Ai Cập có kế hoạch phát hành 6 tỷ USD trái phiếu quốc tế]

Mới đây, Công ty đầu tư Saudi Arabia Ai Cập (SEIC) đã được thành lập, thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư Công của Saudi Arabia (PIF), nhằm mua lại cổ phần của 4 công ty nhà nước Ai Cập có trị giá lên tới 1,3 tỷ USD.

Ngoài ra, Ai Cập cam kết nâng cao vai trò của khu vực tư nhân trong tăng trưởng song song với việc giảm quy mô của thành phần kinh tế nhà nước, tạo sân chơi bình đẳng giữa các tổ chức công và tư, đồng thời tăng cường quản trị và cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ định hướng xuất khẩu và tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn dắt.

Chính phủ nước này đã cam kết với IMF sẽ giảm đầu tư vào các dự án công, bao gồm cả các dự án quốc gia, để giảm lạm phát và duy trì dự trữ ngoại tệ.

Để nhận được khoản vay bổ sung 3 tỷ USD từ IMF, Ai Cập cũng tuyên bố đảm bảo khoản tiền gửi 28 tỷ USD của các quốc gia vùng Vịnh tại ngân hàng trung ương nước này sẽ không đáo hạn trước tháng 9/2026 và sẽ không được sử dụng để mua cổ phiếu hoặc nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục