Ai Cập thiên về bầu cử tổng thống sớm trước quốc hội

Theo cuộc trưng cầu dân ý mới đây, nhiều lực lượng chính trị tại Ai Cập ủng hộ bầu cử tổng thống trước bầu cử quốc hội.
Cử tri Ai Cập đi bỏ phiếu.

Ngày càng có nhiều lực lượng chính trị tại Ai Cập ủng hộ bầu cử tổng thống trước quốc hội. Sự "áp đảo" của phiếu thuận trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua cho bản Hiến pháp mới đã tăng thêm nhiều tiếng nói ủng hộ cuộc bầu cử tổng thống trước các cuộc bầu cử quốc hội.

Sau khi Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi bị lật đổ vào ngày 3/7, Tư lệnh quân đội Abdel- Fattah El- Sisi đã công bố một lộ trình đưa đất nước trở lại chế độ dân chủ. Một vài ngày sau đó, Tổng thống lâm thời Adly Mansour đã ban hành một tuyên bố hiến pháp cụ thể hóa các bước của lộ trình: một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp tiếp theo là bầu cử quốc hội và tổng thống.

Tuy nhiên, chính quyền Ai Cập dường như bây giờ có điều kiện để tổ chức bầu cử tổng thống trước tiên. Hầu hết các lực lượng chính trị đều ủng hộ sự thay đổi. Tuy còn có một số nhà phê bình lo ngại rằng Tổng thống được bầu có thể củng cố quyền lực nếu như chưa có quốc hội mới.

Tại một loạt các cuộc họp đối thoại quốc gia trong tháng 12/2013 giữa Tổng thống lâm thời Mansour và các lực lượng chính trị, đa số ủng hộ tổ chức bầu cử tổng thống đầu tiên.

Ủy ban 50 thành viên được giao nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp nói rằng Tổng thống Mansour sẽ là người quyết định trình tự các cuộc bầu cử.

Nằm trong số nhiều người Ai Cập ủng hộ tổ chức bầu cử tổng thống đầu tiên, nhà phân tích chính trị Gamal Abdel- Gawad nói với báo Al Ahram: "Tổ chức cuộc bầu cử tổng thống sẽ tăng cường quyền lực của nhà nước. Liên minh đã phát động các cuộc biểu tình ngày 30/6 chắc chắn sẽ chia tay nếu các cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức trước tiên."

Ông khẳng định người Ai Cập muốn có ngay một nhà lãnh đạo sáng suốt hơn là các đại diện của quốc hội. Ông nói thêm: "Tôi không tin rằng tổ chức bầu cử tổng thống trước tiên sẽ vi phạm lộ trình. Đó chỉ là một lộ trình, không phải là một hiến pháp. Và khi có sự đồng thuận giữa các đảng phái chính trị , đó chỉ đơn giản là một hành động chính trị."

Nader Bakkar, phát ngôn viên của Đảng Nour - đảng Hồi giáo duy nhất ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Morsi cho rằng việc bầu tổng thống trước không đặt thành vấn đề. Bakkar giải thích: "Lúc đầu, chúng tôi muốn chính phủ lâm thời cam kết lộ trình ban đầu, theo đó các cuộc bầu cử quốc hội sẽ được tổ chức trước tiên, nhưng khi thấy nhiều đảng phái chính trị ủng hộ trình tự đảo ngược, chúng tôi quyết định song hành với quyết định."

Ông nói thêm rằng đảng của ông muốn bảo đảm lộ trình sẽ không bị thay đổi một lần nữa. Bakkar thừa nhận: "Chúng tôi muốn bầu ra một quốc hội trước tiên bởi vì chúng tôi không muốn tổng thống có tất cả các quyền hành mà không có sự hiện diện của một quốc hội."

Nhiều đảng phái chính trị đã kêu gọi bầu cử tổng thống trước tiên ngay từ khi Tổng thống Morsi bị lật đổ. Hossam Moeness, thuộc trào lưu nhân dân theo chủ nghĩa Nasser, lập luận: "Thứ nhất, tình hình không ổn định , đó là lý do tại sao chúng tôi đã kêu gọi bầu cử tổng thống sớm kể từ ngày 30/6. Nếu bầu cử Quốc hội trước sẽ dẫn đến nhiều tranh chấp giữa các đảng phái mà chúng ta hiện chưa khả năng giải quyết."

Hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ kể từ khi Tổng thống Mohamed Morsi bị truất quyền ngày 3/7, và hàng ngàn thành viên Anh em Hồi giáo đã bị bắt trong các cuộc trấn áp người Hồi giáo.

Với lập luận tương tự, Ahmed Kahiri, thuộc Đảng tự do của người Ai Cập ủng hộ lộ trình, cho biết bầu cử tổng thống đầu tiên sẽ rút ngắn thời gian chuyển tiếp: nếu một quốc hội được bầu trước tiên, Ai Cập sẽ vẫn do một chính phủ và tổng thống lâm thời điều hành. Ông Kahiri cho biết thêm: "Một tổng thống được bầu sẽ có sức mạnh để lập kế hoạch và thực hiện chiến lược cho giai đoạn tới, không giống như quốc hội ".

Ngược lại, người phát ngôn của Đảng "Strong Egypt," Ahmed Emam cho rằng cuộc bầu cử nào đến trước đều không quan trọng, nhưng đảng của ông lo ngại về việc tổng thống giữ nhiều quyền là không thể chối cãi.

Emam nói: "Chúng ta đã có kinh nghiệm với các tổng thống trước đó có quyền thông qua các luật, như luật biểu tình và nhiều luật khác, mà không bị thách thức. Chúng tôi hy vọng điều này không xảy ra một lần nữa."

Đảng này, được thành lập trong tháng 7/2012 bởi cựu thành viên Anh em Hồi giáo và là ứng cử viên tổng thống Abdel- Moneim Abul- Fotouh, đã tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp.

Cố vấn của tổng thống, Mohamed El- Muslemany cho biết Tổng thống lâm thời Mansour sẽ ấn định ngày bầu cử tổng thống và quốc hội trong thời gian sớm nhất sau khi hoàn thành cuộc trưng cầu dân ý.

Trong tháng 11/2013, Mostafa Hega, cố vấn tổng thống về các vấn đề chính trị và chiến lược, cho biết: "Những người xây dựng lộ trình đã làm việc rất nghiêm túc để hoàn thành nó, mặc dù có những khác biệt nhỏ... đây không chỉ là quá trình chuyển đổi của Ai Cập từ chế độ độc tài sang dân chủ, mà chúng ta đang xây dựng đất nước từ con số không." Ông cho rằng các bước nhanh chóng và nghiêm túc để phát triển các cơ quan nhà nước cần phải được thực hiện trong 5 năm tới.

Tư lệnh quân đội Abdel- Fattah El- Sisi đã nhắc lại cam kết của mình cho một quá trình chính trị bao gồm dự thảo một hiến pháp mới và tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội.

Lãnh tụ của đảng "Popular Current," Hamdeen Sabbahi, đang xem xét việc ra tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, nhiều lực lượng chính trị ủng hộ việc ứng cử của Sabbahi vào năm 2012 - khi ông về đích thứ ba đã nói rằng họ sẽ ủng hộ El-Sisi nếu ông ấy ra tranh cử.

Một chiến dịch rộng lớn ủng hộ Tướng Sisi trở thành ứng viên tổng thống đang được tiến hành trong thời gian gần đây. Nếu ra tranh cử, ông El- Sisi có khả năng giành một chiến thắng vang dội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục