Lập ủy ban sửa hiến pháp

Ai Cập thành lập ủy ban sửa đổi bản hiến pháp 2012

Tổng thống lâm thời Ai Cập ký sắc lệnh thành lập ủy ban pháp lý sửa đổi bản Hiến pháp năm 2012 bị quân đội đình chỉ vào ngày 3/7.
Ngày 20/7, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour đã ký sắc lệnh thành lập một ủy ban pháp lý để sửa đổi bản Hiến pháp năm 2012 bị quân đội đình chỉ vào ngày 3/7 vừa qua.

Nhật báo Al Ahram cho biết ủy ban trên do Thẩm phán Awad Ali Saleh, Cố vấn hiến pháp của Tổng thống, đứng đầu sẽ bắt đầu làm việc vào ngày 21/7 tại trụ sở Hội đồng Shura (Thượng viện Ai Cập) và có một tháng để hoàn thành công việc của mình. Theo sắc lệnh, một "ban thư ký kỹ thuật" cũng sẽ được thành lập nhằm hỗ trợ ủy ban này.

Trước đó, hôm 8/7, Tổng thống lâm thời Adly Mansour đã ra tuyên bố hiến pháp vạch lộ trình cho giai đoạn chuyển tiếp ở Ai Cập sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị phế truất. Một ủy ban pháp lý, với thành phần gồm hai thành viên của Tòa án Hiến pháp Tối cao, hai thẩm phán, hai thành viên của Hội đồng Nhà nước và bốn giáo sư luật hiến pháp đến từ các trường đại học trong nước, sẽ có một tháng để đưa ra các đề xuất sửa đổi Hiến pháp, trước khi chuyển cho một ủy ban khác gồm 50 thành viên đại diện cho tất cả các thành phần trong xã hội Ai Cập để xem xét.

[Biểu tình và tuần hành vẫn rầm rộ trên khắp Ai Cập]

Bản Hiến pháp năm 2012 của Ai Cập được một hội đồng lập pháp do phe Hồi giáo chi phối soạn thảo và được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào tháng 12/2012 bất chấp sự tẩy chay và phản đối kịch liệt của các lực lượng tự do, cánh tả và phi Hồi giáo. Ai Cập phải có một bản hiến pháp sửa đổi trước khi tiến hành các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống.

Hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập cho biết cuộc họp đầu tiên của Nội các lâm thời của nước này được tổ chức vào ngày 21/7 với chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề kinh tế và an ninh. Một nguồn tin nội bộ cho biết phiên họp này đã bị trì hoãn trong những ngày qua để tạo điều kiện cho các tân bộ trưởng xem xét các vấn đề ưu tiên của ngành mình.

Trước đó, hôm 16/7, Nội các mới của Ai Cập gồm 34 bộ trưởng, trong đó chủ yếu là các nhân vật tự do và các nhà kỹ trị, đã tuyên thệ nhậm chức trước Tổng thống lâm thời Adly Mansour.

Cũng trong ngày 20/7, đảng Salafist Nour đã lên tiếng chỉ trích lời kêu gọi của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) phục chức cho ông Morsi, khẳng định cựu Tổng thống Hồi giáo này sẽ "không thể" lãnh đạo đất nước khi phải đối mặt với sự chống đối quyết liệt từ quân đội, cảnh sát, cơ quan tình báo, giới tư pháp và một bộ phận lớn công chúng.

Trong một tuyên bố, Salafist Nour - lực lượng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập sau MB và từng là đồng minh thân thiết của tổ chức này - cũng chỉ trích các cuộc biểu tình liên tiếp của phe Hồi giáo chống lại Chính phủ lâm thời và cho rằng các động thái này có nhiều nguy cơ làm bùng nổ bạo lực. Đảng này cho biết đã lựa chọn "tham gia" về mặt chính trị với chính quyền mới, đồng thời "bác bỏ hoàn toàn" đối với việc đối đầu vũ trang với quân đội.

Cùng ngày, Quốc vương Abdullah II của Jordan đã đến thủ đô Cairo trong chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia tới Ai Cập kể từ sau cuộc chính biến hôm 3/7 ở quốc gia Bắc Phi này. MENA cho biết Quốc vương Abdullah II đã được Thủ tướng lâm thời Ai Cập được quân đội hậu thuẫn Hazem al-Beblawi đón tiếp tại sân bay. Quốc vương Jordan là một trong số những lãnh đạo đầu tiên chúc mừng người dân Ai Cập sau khi quân đội phế truất Tổng thống Mohamed Morsi sau làn sóng biểu tình rầm rộ đòi ông này từ chức.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc Chính phủ Ethiopia chưa có phản ứng gì về lời mời của Cairo nhằm thảo luận về tranh chấp liên quan đến một dự án xây dựng đập thủy điện trên thượng nguồn sông Nile. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Badr Abd El-Aty nhấn mạnh rằng an ninh nguồn nước của quốc gia này không phải là điều để "mặc cả," đồng thời lên án Ethiopia tiếp tục cho xây dựng con đập trên và "bỏ qua các khuyến nghị của ủy ban kỹ thuật."

Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Nội các lâm thời Ai Cập được thành lập, cho thấy cam kết của chính quyền mới trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nguồn nước hiện nay.

Từ cuối tháng Năm vừa qua, quan hệ giữa Ai Cập và Ethiopia đột ngột trở nên căng thẳng sau khi quốc gia vùng Sừng châu Phi này tiến hành chuyển hướng dòng chảy của sông Nin Xanh trong khuôn khổ dự án xây dựng đập thủy điện "Đại phục hưng Ethiopia," có tổng vốn đầu tư lên tới 4,2 tỷ USD, với công suất 6.000 MW. Giai đoạn đầu của dự án dự khiến sẽ được hoàn thiện trong 3 năm tới.

Cùng ngày, một quan chức Ai Cập cho biết nước này đã cho mở lại cửa khẩu Rafah - cửa ngõ duy nhất để 1,7 triệu người Palestin đang sinh sống tại Dải Gaza của Palestine tiếp cận với thế giới bên ngoài. Hãng MENA cho biết kể từ ngày 20/7, cửa khẩu này sẽ được mở cửa 4 giờ/ngày để cho phép "các bệnh nhân đang bị mắc kẹt, các trường hợp nhân đạo cũng như những người nước ngoài" qua lại vùng lãnh thổ bị cô lập này của Palestine.

Kể từ khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ, chính quyền Ai Cập đã nhiều lần ra lệnh đóng cửa khẩu này do lo ngại an ninh sau các cuộc tấn công của các tay súng Hồi giáo nhằm vào lực lượng an ninh nước này đóng trên Bán đảo Sinai bất ổn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục