Truyền thông Ai Cập ngày 17/2 đưa tin quốc gia Bắc Phi này đã lựa chọn các ngân hàng quốc tế để thúc đẩy việc phát hành trái phiếu Hồi giáo (susuk) bằng đồng USD lần đầu tiên.
Theo các phương tiện truyền thông Ai Cập, các ngân hàng đối tác tham gia bảo lãnh và quản lý chính cho đợt phát hành này là Abu Dhabi Islamic Bank, Citi Bank, Credit Agricole, Emirates NBD Capital, First Abu Dhabi Bank và HSBC.
Các ngân hàng trên đã bắt đầu gặp gỡ các nhà đầu tư để triển khai kế hoạch này kể từ ngày 17/2.
Sau đó, Ai Cập sẽ phát hành trái phiếu Hồi giáo sukuk có quy mô kỷ lục trong thời hạn ba năm, thường không dưới 500 triệu USD, tùy thuộc vào điều kiện thị trường.
Ai Cập đang muốn huy động vốn từ các nhà đầu tư toàn cầu nhằm thúc đẩy các dự án cải cách nền kinh tế và đối phó với các tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu, sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.
Ai Cập đang sở hữu các khoản nợ sắp phải thanh thoán tương đương khoảng 39 tỷ USD, trong đó 1,75 tỷ USD sẽ đến hạn trong năm nay và 3,3 tỷ USD trong năm tới.
[Ai Cập bác tin đồn bán kênh đào Suez cho công ty nước ngoài]
Theo Ngân hàng trung ương Ai Cập, tổng nợ nước ngoài của nước này đang ở mức 154,98 tỷ USD vào cuối quý đầu tiên của tài khóa 2022-2023, giảm nhẹ so với mức 155,7 tỷ USD của quý cuối của tài khóa trước.
Kinh tế Ai Cập hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, do tác động tiêu cực của cuộc xung đột tại Ukraine. Dòng vốn lên tới 22 tỷ USD đã rút khỏi thị trường nợ Ai Cập kể từ tháng 3/2022.
Để tiếp sức cho nền kinh tế, Ai Cập có kế hoạch huy động 6 tỷ USD vào tháng 6/2023 thông qua việc bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước, với các quỹ đầu tư quốc gia ở vùng Vịnh được coi là các nhà đầu tư tiềm năng./.