Phe Hồi giáo Ai Cập đã phát động một cuộc tuần hành "triệu người" trong ngày 12/11 ủng hộ sinh viên trong bối cảnh làn sóng biểu tình đang lan rộng trong các trường đại học ở nước Bắc Phi này.
Trong một tuyên bố, Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) dẫn đầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi - đã kêu gọi người dân ủng hộ các cuộc biểu tình của sinh viên hiện nay, đồng thời yêu cầu chính quyền trả tự do cho các sinh viên đang bị tạm giữ.
Vào đầu tháng này, Cơ quan công tố nhà nước đã cho phép cảnh sát triển khai lực lượng trong khuôn viên Đại học Al-Azhar ở Cairo theo đề xuất của ban lãnh đạo trường này.
Đề xuất trên được đưa ra sau khi một nhóm sinh viên xông vào đập phá khu nhà giám hiệu của trường đại học này - một cơ sở thuộc Nhà thờ cùng tên có quyền năng cao nhất trong dòng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập.
Sau khi xảy ra vụ việc nghiêm trọng này, Thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem El-Beblawi tuyên bố cảnh sát sẽ được triển khai tại cổng của tất cả các trường đại học trên cả nước nhằm giúp duy trì an ninh.
Nội các của ông Beblawi cũng trao quyền cho hiệu trưởng các trường đại học trong việc cho phép cảnh sát tiến vào khuôn viên các trường trong trường hợp xuất hiện "các mối đe dọa đối với các cá nhân, tổ chức và sinh viên."
Kể từ ngày khai giảng, các trường đại học ở Ai Cập đã chứng kiến hàng loạt vụ đụng độ bạo lực giữa các sinh viên ủng hộ và phản đối Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi khiến hàng trăm sinh viên bị thương, bị bắt giữ và bị đình chỉ học.
Vào đầu tháng Mười vừa qua, Tòa án Hành chính Tối cao Ai Cập đã giữ nguyên phán quyết trước đó về việc cấm cảnh sát có mặt tại các trường đại học.
Trước đó, vào tháng Chín, Hội đồng tối cao các trường đại học (SCU) từng đề xuất cho phép lực lượng bảo vệ của các trường đại học bắt giữ các sinh viên vi phạm.
Tuy nhiên, Chính phủ lâm thời Ai Cập đã buộc phải bác bỏ văn bản gây tranh cãi này do vấp phải chỉ trích gay gắt của dư luận.
Ngày 11/11, Chính quyền lâm thời Ai Cập đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại hai tỉnh Nam Sinai và Red Sea kể từ ngày 13/11 trong một động thái nhằm thúc đẩy du lịch.
Đồng thời, Chính quyền lâm thời Ai Cập cũng ra lệnh mở cửa cho xe cộ lưu thông tại khu vực quảng trường Rabaa Al-Adawiya thuộc quận Nasr City ở Đông Bắc Cairo - địa điểm diễn ra cuộc biểu tình ngồi của phe Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi kéo dài suốt sáu tuần lễ trước khi bị cảnh sát dùng vũ lực giải tán hôm 14/8.
Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 28/6, các phương tiện giao thông được phép di chuyển tự do tại khu vực này.
Tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm được công bố vào ngày 14/8 tại Cairo và 13 tỉnh thành khác trong bối cảnh bạo loạn lan rộng khiến hơn 850 người thiệt mạng sau chiến dịch giải tán hai địa điểm biểu tình ngồi của những người ủng hộ ông Morsi.
Trong một diễn biến khác, ngày 11/11, người phát ngôn của Ủy ban soạn thảo lại hiến pháp Ai Cập Mohammed Salmawy cho biết ủy ban gồm 50 thành viên này ủng hộ việc tăng cường quyền lực cho tổng thống trong trường hợp có tranh cãi với quốc hội về việc bổ nhiệm thủ tướng.
Cán cân quyền lực giữa tổng thống và quốc hội là vấn đề then chốt trong hiến pháp mới của Ai Cập, quốc gia có truyền thống có một tổng thống quyền lực.
Ông Mohammed Salmawy cho biết hiến pháp mới sẽ trao cho khối lớn nhất trong quốc hội cơ hội được chọn thủ tướng và giành được quyền thông qua quyết định này.
Tuy nhiên, trong trường hợp thất bại, tổng thống sẽ là người có quyền lựa chọn thủ tướng và nếu quốc hội không công nhận thì tổng thống có thể giải tán quốc hội.
Ủy ban soạn thảo hiến pháp Ai Cập là một phần của kế hoạch quá độ sang dân chủ được quân đội hậu thuẫn sau khi Tổng thống Mohammed Morsi bị lật đổ.
Trong bản hiến pháp thời ông Morsi, quốc hội có hai cơ hội về bầu chọn thủ tướng.
Ngày 10/11, các nguồn tin tư pháp cho biết một tòa án Ai Cập đã ấn định ngày 9/12 là thời điểm xét xử thủ lĩnh Anh em Hồi giáo (MB) và các quan chức cấp cao của tổ chức này với những cáo buộc mới về kích động bạo lực.
Thủ lĩnh tối cao của MB Mohammed Badie và các thủ lĩnh khác của nhóm này, trong đó có Essam al-Erian và Mohammed al-Beltagui đối mặt với các cáo buộc kích động bạo lực trong khu vực ngoại ô Bahr al-Aazam của thủ đô Cairo, dẫn tới các cuộc đụng độ đẫm máu hồi tháng Bảy vừa qua.
Trong một phiên xét xử riêng rẽ, Badie cùng hai cấp dưới Khairat al-Shater và Rashad Bayoumi cũng đối mặt với các cáo buộc khác liên quan đến cái chết của những người biểu tình tấn công trụ sở MB tại Cairo hôm 30/6.
Tòa án cũng ấn định ngày 10/12 là thời điểm xét xử cựu thủ lĩnh MB Mohammed Mahdi Akef, người bị cáo buộc bôi nhọ uy tín của bộ máy tư pháp./.