Bộ trưởng Tài chính Mohamed Maait ngày 22/2 xác nhận rằng Ai Cập “đã thành công trong việc phát hành trái phiếu Hồi giáo (sukuk) có chủ quyền lần đầu tiên trong lịch sử, với giá trị đăng ký lên tới khoảng 6,1 tỷ USD.”
Theo ông Maait, trong đợt phát hành này, hơn 250 nhà đầu tư ở các thị trường tài chính toàn cầu đã được đăng ký mua trái phiếu sukuk của Ai Cập, vượt hơn gấp bốn lần so với kỳ vọng.
Đợt phát hành đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư mới từ các nước vùng Vịnh cũng như Đông Á, các nước châu Âu và Mỹ.
[Quỹ Phát triển quốc tế OPEC huy động được 1 tỷ USD từ bán trái phiếu]
Bộ trưởng Maait hoan nghênh nhà đầu tư toàn cầu đã nhiệt tình tham gia đợt chào bán trái phiếu sukuk của Ai Cập, nói thêm rằng lãi suất phát hành đã giảm được gần 70 điểm cơ bản từ mức 11,675% lúc mở cửa xuống 11% lúc đóng cửa.
Ông Maait giải thích rằng thành công của Ai Cập trong đợt phát hành trái phiếu sukuk lần đầu tiên trong lịch sử diễn ra trong bối cảnh điều kiện chính trị và kinh tế toàn cầu đầy biến động và chi phí tài chính tăng cao do lạm phát mạnh.
Đợt phát hành này cho thấy niềm tin từ các thị trường tài chính toàn cầu và các nhà đầu tư vào tương lai của nền kinh tế Ai Cập và khả năng linh hoạt đối phó với các thách thức bên trong và bên ngoài.
Ai Cập đã tích cực chuẩn bị cho đợt phát hành này bằng cách ban hành Luật trái phiếu chủ quyền sukuk và các quy định hành pháp để tạo ra khuôn khổ lập pháp cần thiết để thu hút đầu tư.
Quốc gia Bắc Phi này đang muốn huy động vốn từ các nhà đầu tư toàn cầu nhằm thúc đẩy các dự án cải cách nền kinh tế và đối phó với các tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu, sau đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.
Các khoản nợ sắp phải thanh toán của Ai Cập tương đương khoảng 39 tỷ USD, trong đó 1,75 tỷ USD sẽ đến hạn trong năm nay và 3,3 tỷ USD trong năm tới.
Theo Ngân hàng Trung ương Ai Cập, tổng nợ nước ngoài của nước này đang ở mức 154,98 tỷ USD vào cuối quý đầu tiên của tài khóa 2022-2023, giảm nhẹ so với mức 155,7 tỷ USD của quý cuối của tài khóa trước.
Kinh tế Ai Cập hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, do tác động tiêu cực của cuộc xung đột tại Ukraine. Dòng vốn lên tới 22 tỷ USD đã rút khỏi thị trường nợ Ai Cập kể từ tháng 3/2022.
Để tiếp sức cho nền kinh tế, Ai Cập có kế hoạch huy động 6 tỷ USD vào tháng 6/2023 thông qua việc bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước, với các quỹ đầu tư quốc gia ở vùng Vịnh được coi là các nhà đầu tư tiềm năng./.