Ai Cập-Pháp tìm kiếm giải pháp chính trị cho tình hình Syria và Libya

Ông Bassam Rady, người phát ngôn của Tổng thống Ai Cập, cho biết trong cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận quan hệ song phương cũng như những thách thức trong khu vực mà hai nước cùng quan tâm.
Hiện trường một vụ tấn công nhằm vào một trung tâm dành cho người tị nạn ở gần thủ đô Tripoli, Lybia, ngày 3/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi ngày 17/9 đã hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, nhất trí cùng nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho các cuộc khủng hoảng tại Libya và Syria.

Ông Bassam Rady, người phát ngôn của Tổng thống Ai Cập, cho biết trong cuộc hội đàm, hai bên đã thảo luận quan hệ song phương cũng như những thách thức trong khu vực mà hai nước cùng quan tâm, trong đó có các vấn đề về Libya và Syria.

Hai bên nhất trí phối hợp các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp tại Libya theo hướng góp phần đẩy lùi khủng bố, bảo vệ các nguồn tài nguyên và thể chế của quốc gia này, đồng thời hạn chế sự can thiệp của nước ngoài. 

Đối với Syria, Tổng thống al-Sisi tái khẳng định lập trường của Ai Cập ủng hộ một giải pháp chính trị tại Syria nhằm bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

Tổng thống Ai Cập và Ngoại trưởng Pháp cũng nhất trí cần phải duy trì sự phối hợp và tham vấn liên tục giữa hai nước về các thách thức đang hiện hữu tại khu vực Trung Đông. Ngoài ra, hai bên nhấn mạnh các cách thức tăng cường quan hệ đối tác giữa Ai Cập và Pháp, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển. 

Ngoại trưởng Le Drian đã nêu rõ sự quan tâm của Pháp đối với thành công trong cải cách kinh tế mà Ai Cập đạt được thời gian qua, cũng như rất nhiều dự án phát triển có quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ai Cập. Ông Le Drian cho rằng các dự án phát triển của Ai Cập mang lại những cơ hội đầy hứa hẹn thu hút nguồn vốn đầu tư từ Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và giao thông.

[Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Đức trao đổi về tình hình Syria và Libya]

Về tình hình Libya, kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, nước này vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Hiện tại ở nước này có hai chính quyền song song tồn tại với các lực lượng vũ trang riêng.

Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận và các nhóm dân quân hậu thuẫn, hoạt động ở thủ đô Tripoli. Trong khi đó, lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông.

Từ hồi đầu tháng Tư vừa qua, lực lượng này đã phát động một chiến dịch nhằm chiếm thủ đô Tripoli, dẫn tới các cuộc giao tranh ở các vùng ngoại ô làm 1.000 người thiệt mạng và 120.000 người phải đi sơ tán.

Nghị quyết mới của Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia có ảnh hưởng tới các bên tham chiến tại Libya hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại quốc gia này.

Về tình hình Syria, xung đột bùng phát tại nước này từ năm 2011 đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải đi lánh nạn. Nỗ lực khôi phục hòa bình và ổn định tại đây đang được thúc đẩy sau khi tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng bị đánh bật.

Hiện các cuộc đụng độ lớn hầu như đã chấm dứt ở Syria, song tình trạng bất ổn, các vụ đánh bom và tấn công nhằm vào dân thường tại những khu vực từng nằm trong vòng kiểm soát của nhiều phe phái vẫn tiếp diễn./. 
 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục