Ai Cập, Pháp kêu gọi quốc tế hợp tác ngăn chặn xung đột ở Gaza lan rộng

Ai Cập và Pháp nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, đảm bảo thành lập Nhà nước Palestine phù hợp với các nghị quyết quốc tế nhằm đạt được an ninh và ổn định lâu dài ở khu vực.
Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống khu vực Mawasi ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza ngày 13/7/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 16/7, Tổng thống Ai Cập, ông Abdel-Fattah El-Sisi và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tăng cường các hành động quốc tế chung nhằm ngăn chặn cuộc xung đột ở Gaza lan rộng, cũng như ngăn khu vực rơi vào một chu kỳ xung đột mới.

Tuyên bố của Phủ Tổng thống Ai Cập nêu rõ: "Hai tổng thống đã khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường các hành động quốc tế chung nhằm ngăn xung đột lan rộng và không để khu vực rơi vào một chu kỳ xung đột phức tạp mới.”

Trong cuộc điện đàm cùng ngày, Tổng thống El-Sisi đã nêu bật sự cần thiết phải thúc đẩy các nỗ lực quốc tế chung để đảm bảo sự thành công của các nỗ lực hòa giải hiện nay, và cung cấp đủ viện trợ nhân đạo cho Gaza nhằm giảm bớt những điều kiện khắc nghiệt mà người dân Gaza phải đối mặt.

Về phần mình, Tổng thống Macron đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Ai Cập. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy giải pháp hai nhà nước và đảm bảo thành lập Nhà nước Palestine phù hợp với các nghị quyết quốc tế nhằm đạt được an ninh và ổn định lâu dài trong khu vực.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Cơ quan Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông của Liên hợp quốc (UNRWA) cho biết trong 10 ngày qua, Israel đã ném bom 5 trường học dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc tại Gaza. UNRWA cũng khẳng định thêm rằng không ai được an toàn ở Gaza.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ lo ngại về số dân thường thương vong trong các cuộc không kích tại Gaza gần đây.

Phát biểu tại cuộc gặp 2 quan chức có ảnh hưởng của Israel là Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Ron Dermer và Cố vấn An ninh quốc gia Tzachi Hanegbi, ông Blinken bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về số lượng thương vong của dân thường gần đây ở Gaza.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Matthew Miller trong một phát biểu cùng ngày cũng nhấn mạnh số thương vong ở Gaza "ở mức không thể chấp nhận được."

Trong khi đó, trên thực địa, chính quyền thành phố Deir al-Balah, nơi hàng chục nghìn người phải di dời tìm đến trú ẩn, cho biết các trạm bơm nước thải tại một trong những thành phố chính của Gaza đã ngừng hoạt động vào ngày 16/7 vì hết nhiên liệu, đồng thời bày tỏ lo ngại nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh chóng.

Chính quyền thành phố cảnh báo hơn 700.000 người có nguy cơ gặp "khủng hoảng sức khỏe và môi trường."

Tuyên bố nêu rõ: "Thành phố Deir al-Balah thông báo dừng các trạm bơm nước thải vì lượng nhiên liệu cần thiết để hoạt động đã cạn kiệt.”

Tuyên bố cảnh báo viễn cảnh "các con đường ngập trong nước thải" và "dịch bệnh sẽ lây lan."

Gaza đã không có nguồn cung cấp điện kể từ khi xung đột nổ ra ngày 7/10/2023, do đó nước thải chủ yếu do các nhà máy xử lý chạy bằng nhiên liệu xử lý sau đó đưa vào Địa Trung Hải.

Cục quản lý nước của Chính quyền Palestine cho biết họ đã sắp xếp để hàng chục nghìn lít nhiên liệu vào Gaza. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nước quá nghiêm trọng đến mức chỉ riêng nhiên liệu sẽ không giúp ích được gì, khi Dải Gaza cũng thiếu hụt nghiêm trọng các phụ tùng thay thế để sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.

Trước đó trong tháng này, Israel cho biết với sự giúp đỡ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), họ đã kết nối một nhà máy khử muối ở phía Nam Gaza với mạng lưới điện của mình.

Không rõ nhà máy đã bắt đầu hoạt động hay chưa. Trong khi đó, phía chính quyền Palestine bày tỏ hy vọng nguồn cung cấp điện cho trung tâm Gaza sẽ được nối lại trong "những ngày tới" để phục vụ các cơ sở hạ tầng công cộng.

Chính quyền Israel vẫn chưa xác nhận động thái này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục