Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập vừa công bố một phát hiện khảo cổ quan trọng tại khu di tích Saqqara, phía nam thủ đô Cairo.
Theo đó, đoàn khảo cổ học liên quốc gia Pháp-Thụy Sĩ đã tìm thấy một lăng mộ cổ thuộc loại kiến trúc mastaba có niên đại hơn 4.000 năm tuổi.
Đặc biệt, lăng mộ này thuộc về một bác sỹ hoàng gia phục vụ dưới triều đại Pharaoh Pepy II (2278-2184 trước Công nguyên) - vị vua cuối cùng của Vương triều thứ 6 trong giai đoạn Cổ Vương quốc Ai Cập.
Mastaba là kiểu kiến trúc lăng mộ điển hình thời kỳ này, với đặc trưng hình chóp cụt, đế hình chữ nhật, mái phẳng cùng các bức tường bên dốc được xây dựng từ đá hoặc gạch bùn.
Ông Mohamed Ismail Khaled, Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập (SCA), nhấn mạnh tầm quan trọng của phát hiện này đối với việc nghiên cứu lịch sử khu vực Saqqara.
Các văn bản và hình vẽ trên tường lăng mộ đã tiết lộ nhiều khía cạnh mới về đời sống thường nhật trong thời kỳ Cổ Vương quốc.
Mặc dù các nghiên cứu sơ bộ cho thấy lăng mộ đã từng bị cướp phá, nhưng may mắn là các họa tiết chạm khắc và chữ tượng hình trên tường vẫn được bảo tồn khá tốt.
Đoàn khảo cổ còn phát hiện một quan tài đá, với các dòng chữ khắc trên trần lăng mộ và bên trong quan tài giúp xác định được danh tính và chức vụ của chủ nhân.
Khu khảo cổ Saqqara, được UNESCO công nhận là di sản thế giới, là nghĩa trang lớn của người Ai Cập cổ đại.
Gần đây, các cuộc khai quật tại đây liên tục có những phát hiện giá trị, bao gồm nhiều quan tài cổ nghìn năm tuổi, các hiện vật quý hiếm và xác ướp của nhiều loài động vật như rắn, chim, bọ hung./.
Lăng mộ Ai Cập, bãi đá Stonehenge: Những khám phá khảo cổ nổi bật nhất năm 2024
Từ phát hiện những thành phố ẩn sau khu rừng rậm rạp cho đến việc đọc những cuộn giấy cổ bằng AI, việc kết hợp các kỹ thuật hiện đại và truyền thống đang định hình tương lai ngành khảo cổ.