Ngày 6/3, cơ quan công tố Ai Cập đã chuyển 5 thủ lĩnh cấp cao của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) sang xét xử ở tòa án quân sự.
Đây là lần đầu tiên các thành viên của MB, phong trào xuất thân của Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi, bị đem ra xét xử ở tòa án binh kể từ khi hiến pháp mới được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 18/1 vừa qua.
Trước đó, ngày 25/2, lính biên phòng Ai Cập đã bắt giữ 5 lãnh đạo MB đang cố chạy trốn qua biên giới phía Nam giáp với Sudan. Những người này bị cáo buộc sở hữu trái phép 7.000 viên đạn và xâm phạm một khu vực quân sự.
Kể từ cuộc chính biến ngày 3/7/2013 lật đổ ông Morsi, chính quyền lâm thời Ai Cập đã phát động một chiến dịch trấn áp quy lớn nhằm vào các thành viên MB và những người ủng hộ phong trào Hồi giáo này. Đến nay, khoảng 3.000 thành viên và những người ủng hộ MB đã bị bắt giữ và đem ra xét xử với các mức án nặng. Riêng ông Morsi cũng đang bị xét xử với hàng loạt tội danh như sát hại người biểu tình đối lập, tổ chức trốn ngục và làm gián điệp.
Ngày 24/2 vừa qua, một tòa sơ thẩm ở Cairo đã quyết định cấm tất cả hoạt động của MB, của các tổ chức phi chính phủ và tổ chức liên kết hoặc nhận tiền tài trợ từ lực lượng này, đồng thời ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản của MB và giao cho một ủy ban được chính phủ lâm thời thành lập để quản lý. Cùng ngày, Tòa án Cairo về các vấn đề khẩn cấp cũng ra phán quyết coi MB là "tổ chức khủng bố", chính thức hợp pháp hóa tuyên bố ngày 25/12/2013 của chính phủ lâm thời.
Trong một diễn biến khác, Ai Cập đang có kế hoạch tước quốc tịch của 13.757 thành viên phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas của Palestine vì bị cáo buộc "tham gia vào một chi nhánh của tổ chức khủng bố Anh em Hồi giáo (MB)."
Theo trang mạng Yonum7, các nguồn tin an ninh của Ai Cập đã bắt đầu thu thập thông tin về việc hàng nghìn thành viên của Hamas - những người đã được cấp quốc tịch Ai Cập dưới thời Tổng thống Morsi.
Trong khi đó, hãng thông tấn Ma'an cũng nói rằng chính phủ Ai Cập đang điều tra các thành viên Hamas vì cáo buộc tham gia vào các cuộc tấn công khủng bố. Theo đó, Thủ tướng Ai Cập có thể ra quyết định tước quốc tịch của các thành viên Hamas mà không cần phán quyết của tòa án nếu những người này bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Một cố vấn của cựu Chánh án Tòa án Hình sự Cairo nói rằng phán quyết của tòa sẽ phong tỏa các tài sản của Hamas, cấm nhóm này hoạt động trên lãnh thổ Ai Cập, và đóng cửa các văn phòng của Hamas.
Tuy nhiên, Hamas đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc từ phía Ai Cập về việc liên quan đến những vụ đụng độ trên bán đảo Sinai. Quan hệ giữa Cairo và Hamas đã xấu đi nhanh chóng kể từ sau sự kiện quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống Morsi./.