Ai Cập ký hợp đồng nhập hàng tỷ mét khối khí đốt từ Israel

Một nhóm khách hàng tư nhân ở Ai Cập đã nhất trí mua hàng tỷ m3 khí đốt từ Israel thông qua một đường ống cũ từng được Cairo sử dụng để bán khí đốt cho Israel.
Ai Cập ký hợp đồng nhập hàng tỷ mét khối khí đốt từ Israel ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Một nhóm khách hàng tư nhân ở Ai Cập đã nhất trí mua hàng tỷ m3 khí đốt từ mỏ Tamar ngoài khơi Israel thông qua một đường ống dẫn cũ từng được Cairo sử dụng để xuất khẩu khí đốt sang Israel.

Ngày 18/3, các đối tác của mỏ Tamar cho biết đã ký một hợp đồng có thời hạn bảy năm với Dolphinus Holdings, công ty đại diện cho các khách hàng tư nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại tại Ai Cập. Ít nhất 5 tỷ m3 khí đốt sẽ được bán cho công ty của Ai Cập trong ba năm đầu.

Tuy nhiên, một nguồn tin tại Israel cho biết tổng khối lượng khí đốt được xuất khẩu trong thương vụ này có thể cao gấp ba lần, tùy thuộc vào nhu cầu tiêu thụ tại Ai Cập.

Khí đốt sẽ được vận chuyển từ Israel tới nhà máy khí hóa lỏng Damietta ở khu vực duyên hải phía Bắc của Ai Cập thông qua một đường ống dẫn nằm dưới biển được Công ty Khí đốt Đông Địa Trung Hải (EMG) xây dựng cách đây gần một thập niên.

Ai Cập từng bán khí đốt cho Israel theo một thỏa thuận có thời hạn 20 năm được ký kết năm 2005 dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Sau khi nhà lãnh đạo này bị lật đổ hồi đầu năm 2011, ngày càng có nhiều người yêu cầu Cairo hủy bỏ thỏa thuận gây tranh cãi này.

Tháng 4/2012, Ai Cập đã ngừng xuất khẩu khí đốt sang Israel sau các cuộc tấn công của các nhóm phiến quân Hồi giáo tại Bán đảo Sinai nhằm vào đường ống nói trên.

Đầu tháng Hai vừa qua, các nguồn tin khu vực cho biết Ai Cập đang xúc tiến kế hoạch nhập khẩu khí đốt của Israel thông qua Công ty dầu mỏ Noble Energy (Mỹ) - một trong số các đối tác của mỏ Tamar.

Trước đó, hồi tháng 10-11/2014, phát ngôn viên của các công ty sở hữu mỏ khí đốt Tamar cho biết công ty này sẽ cung cấp khí đốt cho Ai Cập trong thời hạn bảy năm theo hợp đồng trị giá hơn 4 tỷ USD. Nếu thỏa thuận mua bán này được ký kết, việc cung cấp khí đốt cho Ai Cập có thể bắt đầu vào năm 2017.

Ai Cập đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua và đang tìm kiếm các nguồn cung khí đốt, trong đó có Algeria, Nga và Cyprus./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục